NÓI TIẾP CHUYỆN “ĐẦU THAI” KỲ LẠ !

CHUYỆN “THẰNG NHỎ HỖN LÁO”

Đêm qua, nhân dịp ghé thăm anh bạn hàng xóm và nghe một câu chuyện mà tôi phải ghi lại đây để gọi là làm chứng từ cho hiện tượng “đầu thai”. Vâng, đúng là chuyện li kì, mà nếu không nghe từ chính miệng anh tôi kể thì chắc tôi sẽ gạt phắt là chuyện tầm phào …

Câu chuyện bắt đầu từ một bài báo (chúng tôi đăng trong bài “Những chuyện đầu thai kỳ lạ”) nhưng lại trùng hợp với câu chuyện của anh bạn tôi. Nhân dịp ghé chơi nhà anh bạn, tôi kể cho các bạn bè nghe câu chuyện tôi mới đọc, viết về một em bé được tin là đầu thai sau vài năm chết vì một tai nạn.

Nghe xong, anh bạn tôi (tên D) thản nhiên hỏi lại “vậy ông có muốn nghe chuyện của tôi không”. Câu chuyện của anh cũng li kì không kém, và có nhiều nét tương đồng với câu chuyện đầu thai đã kể …

Nhà anh D ở một làng ven sông thuộc tỉnh Trà Vinh. Gia đình anh có 4 anh chị em, nhưng chỉ có một mình anh đi vượt biên và đã định cư ở Úc gần 30 năm qua. Năm nay anh đã 60 tuổi. Sau ngày anh đi Úc, Ba anh đã qua đời, để lại má và mấy anh em.

Gia đình vẫn làm nghề nông và cuộc sống vẫn trôi theo thời gian một cách bình thản, cho đến một ngày câu chuyện “thằng nhỏ hỗn láo” xảy ra. Ở đầu sông có một cậu bé khoảng 7 tuổi, là con đầu lòng của cặp vợ chồng, có những lời nói bất thường. Cứ mỗi lần thấy má anh D đi ngang nhà, cậu bé cứ chỉ vào bà và nói “Nó là vợ tao đó”.

Thoạt đầu, má anh D và mấy người hàng xóm chỉ cười vì nghĩ thằng bé nó tập nói, nên chẳng ai chấp nhứt cả. Nhưng cậu bé nói câu đó rất nhiều lần như thế mỗi khi thấy mặt má anh D, làm cho má anh nổi giận và mắng cặp vợ chồng trẻ không biết dạy con. Thế là cậu bé ăn đòn. Nhưng dù ăn đòn thế nào đi nữa, nó vẫn khẳng định điều nó nói. Chẳng những thế, cậu bé còn chỉ mặt những người trong gia đình anh, và nói giọng kẻ cả “thằng này là con tao, nó thứ 3; con kia thứ 4”, và kể ra vanh vách những chuyện và thông tin mà chỉ có gia đình anh mới biết. Đến lúc đó thì không ai có thể xem là thằng bé hỗn láo hay nói bậy.

Anh em bên nhà gọi điện sang anh D và kể câu chuyện li kì trên, rồi hỏi anh phải làm gì. Trong một chuyến về thăm nhà anh quyết định tìm hiểu và tự mình chứng kiến mới tin.

Ngày đầu tiên về thăm nhà, anh mua một con heo quay và mâm trái cây đem ra mộ để cúng ba anh, như là một việc làm rất thông thường của những người con đi xa mới về quê. Xong việc cúng bái, anh ghé thăm nhà người hàng xóm đầu sông (vốn không phải là chỗ quen biết hay bà con với gia đình anh).

Vào nhà, anh gặp thằng bé và hỏi “Con có ăn gì không ?”. Cậu bé thản nhiên nói “Ăn hết một con heo quay rồi, no lắm rồi”. Anh kể nghe xong câu trả lời mà anh lạnh cả người.  Anh thử hỏi thêm “biết tôi là ai không”, cậu bé cũng thản nhiên nói “Mày là thằng Hai chứ ai, mày ở xa mới về”. Lúc anh rời Việt Nam thì cậu bé chưa ra đời (và ba anh vẫn còn sống). Dù đã có vài ý niệm rằng con mình là một trường hợp đặc biệt, nhưng nghe qua cuộc đối thoại, cha mẹ của cậu bé cũng ngạc nhiên. Lại thêm những câu hỏi về những kỉ niệm riêng tư mà chỉ anh D và ba anh biết, và cậu bé trả lời vanh vách, không sót một chi tiết nào.

Điều đáng nói là cậu bé thản nhiên xưng “tao” và gọi anh là “mày” y như là ba anh lúc sinh tiền, nếu có khác thì giọng nói của một đứa bé ! Đến đây thì anh tin rằng đứa bé chính là hiện sinh của ba anh, hay nói theo dân gian là ba anh đã “đầu thai”.

Sự xuất hiện của đứa bé làm cho gia đình anh khó ứng xử. Má anh không biết gọi cậu bé bằng gì, mấy người anh em cũng không biết gọi nó là “ba” hay không. Ba má cậu bé cũng lúng túng. Cả làng ai cũng biết câu chuyện ba anh đầu thai. Không giống như câu chuyện trước đây, đứa bé vẫn ở nhà của cha mẹ nó, chứ không về ở nhà anh D. Nay thì cậu bé đã lớn và lên thành phố theo học, nên ít ai nhắc lại chuyện xưa, dù ai trong làng cũng biết.

Tôi vẫn thường hay nghe người khác kể những câu chuyện đầu thai, và cũng đọc nhiều chuyện như thế trong sách báo phương Tây. Nhiều câu chuyện đầu thai (hay reincarnation) bên Tây còn li kì hơn câu chuyện tôi vừa kể. Nhưng thú thật tôi chỉ nghe và bỏ ngoài tai, chứ chẳng quan tâm. Một phần vì tôi chẳng thấy có bằng chứng khoa học nào nên làm sao tin được; một phần khác tôi nghĩ những câu chuyện đó bạn tôi chỉ nói cho vui hay nghe chuyện “tam sao thất bổn”. Thế nhưng khi đọc phóng sự về một vụ đầu thai kỳ lạ, và chính tôi nghe qua câu chuyện của anh bạn thì tôi bắt đầu giao động …

Dù quen anh bạn rất lâu năm, nhưng anh D chưa bao giờ nói chuyện này cho đến hôm qua tôi thuật lại câu chuyện trong bài báo trên. Anh nói tôi nên kể cho họ biết. Anh bạn tôi thuộc vào nhóm người nghiêm chỉnh, không thích đùa giỡn. Không một ai trong bạn bè đặt dấu hỏi về sự thật của câu chuyện gia đình anh, nhưng không ai giải thích được hiện tượng đầu thai. Trong khi những câu hỏi với mẫu tự w và h (what, when, where, why, how) cứ lởn vởn trong đầu, tôi nghĩ mình nên ghi lại câu chuyện để xem như là một bằng chứng thực tế cho những ai quan tâm và nghiên cứu về hiện tượng đầu thai.

Trích theo NVT

Vụ “đầu thai” những “bằng chứng” khó giải thích

Trong cuốn sách phật Hương Hiếu Hạnh xuất bản năm  2007, câu chuyện về “con lộn” Tiến – Bình đã được đưa vào sách với nhan đề “Một trường hợp tái sinh ở Vụ Bản”. Cuốn sách không đưa ra sự phủ nhận hay khẳng định mà chỉ ghi nhận đó là trường hợp người thật việc thật đang hiện diện tại Vụ Bản. Và câu chuyện kỳ lạ nay cũng đã đến tai những người nghiên cứu về tâm linh.

Anh Tân cho biết (cha đời trước của bé Tiến trong bài “Những chuyện đầu thai kỳ lạ”), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã nhiều lần điện thoại gặp anh chị để xin được tìm hiểu, nhưng anh Tân từ chối. Hiện Tiến đã đi học và cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Anh Tân không muốn sự việc lại trở nên phức tạp và được thêu dệt thêm.

Trước khi gặp gia đình anh Tân, tôi thật sự ái ngại khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, trái hẳn với lo lắng của tôi, anh Tân rất vui vẻ kể lại câu chuyện một cách tỷ mỉ. Thậm chí, đang giờ hành chính nhưng anh vẫn gọi chị Thuận về để hai vợ chồng kể chuyện Tiến – Bình cho tôi nghe.

Tuy nhiên, hôm tôi đến nhà, Tiến đang đi học, cháu học cả ngày và trưa ở lại trường. Để giúp tôi hiểu rõ hơn, trưa đó chị Thuận đã đón cháu về nhà. Vừa về đến cổng, Tiến đã nhanh miệng gọi bố, thấy tôi, Tiến khoanh tay chào rất lễ phép. Cháu rất khôi ngô, nói chuyện tự nhiên. Vừa vào nhà là kể chuyện cô, chuyện lớp, hết chuyện này sang chuyện khác. Cháu cứ ôm lấy anh Tân mà kể, chẳng biết ngại ngùng mặc cho lúc đó trong nhà có rất nhiều người, và cả mẹ đẻ của cháu, chị Dự.

– Bình này, chú ở trong bản Cọi ra đưa cháu về với mẹ Dự đây? (Tôi hỏi cháu)

– Cháu là Tiến chứ

– Không. Cháu là Bùi Văn Bình, hôn nay trong bản có lễ hội chú ra đưa cháu về xem

– Không về đâu, cháu là Nguyễn Phú Quyết Tiến, cháu không phải Bình, cháu ở với bố Tân mẹ Thuận cơ !

Anh Tân ngồi cạnh cháu cũng thêm vào :

– Chú nói đúng đó, con là Bình không phải Tiến đâu

– Bố nói dối, con là Tiến. Bố đừng đuổi con nghe bố, bố thương con mà

Nói rồi thằng bé rơm rớm nước mắt, hai tay ôm chặt lấy anh Tân như van xin trông đến tội nghiệp.

Lúc mới về, Tiến còn vui mừng nói cười và mỗi lần thấy tôi cầm máy ảnh lên cháu lại làm dáng. Thế nhưng khi nói đưa cháu đi về bản Cọi cháu chẳng còn nói cười nữa mà chỉ ôm lấy bố Tân.

Câu chuyện đang dang dở với Tiến thì cũng là lúc cháu phải vào lớp. Trước lúc đi, Tiến lại khoanh tay dõng dạc chào chú và không quên dặn “cháu không về bản Cọi đâu nhé !”. Thời gian tiếp xúc với cháu không được bao lâu nhưng tôi thật sự ấn tượng với thằng bé. Tiến thật khôn và lanh lợi nhất là khi tiếp xúc với người lạ, mới 6 tuổi hiếm có cháu nào được như Tiến.

Bây giờ, mỗi tuần anh Tân lại đưa Tiến (đầu thai sang cha mẹ sau được đặt tên là Bình) về ở với mẹ đẻ của mình một lần. Dù Tiến chẳng muốn về, nhưng anh Tân buộc phải làm như vậy, bởi anh muốn cháu luôn biết rằng : chị Dự mới là người sinh thành ra cháu. Anh Tân luôn khẳng định, Tiến giờ hoàn toàn bình thường như các bạn cùng trang lứa. Chuyện của cháu ở Vụ Bản ai cũng biết, anh cũng chẳng có ý định dấu giếm điều gì.

Trước, đây là đề tài “hot” được bàn tán từ đầu làng đến cuối ngõ, nhưng bây giờ mọi người cũng đã quen với sự hiện diện của Tiến – Bình tại nhà anh Tân, chị Dự.

Trích tin Kiên Trung

8 LINH VẬT CHO

CUỘC SỐNG TRƯỜNG THỌ

Nữ phong thủy Lillian Too cho rằng trái đào chín, bình hồ lô hay rùa đầu rồng luôn biểu trưng cho cuộc sống lâu dài.

Gia tăng tuổi thọ của mọi thành viên trong gia đình bằng cách trưng những biểu tượng của tuổi thọ trong nhà, kích hoạt tác động của những biểu tượng đó là một yếu tố quan trọng của thuật Phong Thủy.

Dưới đây là 8 vật phong thủy được bậc thầy phong thủy Lillian Too đề cập đến trong bài viết đăng trên trang The World of Feng Shui (Tạm dịch : Thế giới Phong Thủy) :

Thọ tinh công

Tranh ông thọ hay Nam cực Tiên ông luôn đi cùng với hình ảnh trái đào và hạc tiên.

Ông Thọ là biểu tượng được trưng bày rất phổ biến trong các gia đình ở Trung Quốc. Đây là một trong ba vị tiên Phúc – Lộc – Thọ được biết đến nhiều nhất với hình ảnh một ông già mặc áo choàng vàng, tay cầm gậy có treo một quả đào (trái đào là biểu tượng của sự bất tử) và một nậm rượu.

Theo nữ phong thủy Lillian Too, treo tranh ông Thọ ở nơi thoáng, rộng, nơi tầm mắt gia chủ dễ hướng đến nhất (thường là lối ra vào chính của căn phòng), sẽ có tác dụng mang tới sức khỏe tốt cùng cuộc sống trường thọ, êm đềm cho gia chủ.

Bình hồ lô

Người Hoa cho rằng hình dáng của quả hồ lô tượng trưng cho trời và đất thống nhất trong một thể thu nhỏ.

Bình hồ lô hay một bầu rượu là biểu tượng đầy quyền năng của cuộc sống trường thọ, may mắn và dào dạt phước lành. Ta thường thấy trong tranh ông Thọ, có hươu và hạc đi theo, đồng thời vị tiên này cũng mang theo một bầu rượu mà dân gian vẫn cho rằng nó chứa rượu trường sinh bất tử.

Hình dáng chiếc hồ lô cũng là biểu tượng cho trời và đất được nối bằng một đoạn eo tý hon, trong đó nửa trên tượng trưng cho thiên đường, nửa dưới là trái đất.

Vì thế, người Hoa luôn quan niệm rằng treo bình hồ lô ở một góc nào đó trong nhà mình là điềm tốt. Nữ phong thủy Lillian Too thì khuyên tốt hơn hết là đặt bình hồ lô bên cạnh giường ngủ để giúp người ốm mau khỏi bệnh hay có tác dụng hóa giải tâm trí bực dọc, khó chịu của người nằm trên giường đó.

Chim hạc

Ở Việt Nam, chim hạc là con vật của đạo giáo. Những hình ảnh hạc đậu trên lưng rùa để nhấn mạnh sự giao thoa hài hòa của âm dương.

Việc sử dụng hạc (hay “Nhất phẩm điểu”) làm biểu tượng của sự may mắn và sự trường thọ bắt nguồn từ xa xưa, dưới thời của hoàng đế Phục Hy (Trung Hoa). Mỗi tư thế của chú hạc đều mang một ý nghĩa nhất định :

Nếu là hạc đang bay vút lên lên trời, nó tượng trưng cho một thế giới bên kia tốt đẹp, phiêu du, bởi vì khi ai đó chết đi, linh hồn của người ấy sẽ ngồi trên lưng hạc và được hạc chở lên thiên đường. Cũng bởi lý do đó, trong đám tang của người Hoa, con hạc thường được đặt ở giữa nắp áo quan. Riêng với hạc thấp thoáng giữa những đám mây lại tượng trưng cho tuổi thọ, sự uyên bác, sáng suốt và cuộc sống vương giả. Hình ảnh ấy còn hàm ý chủ nhân đang vươn tới một vị trí cao, đầy quyền lực.

Trên trang web phong thủy của Lillian Too, bà nhấn mạnh loài “chim tiên” này biểu trưng cho tính trường tồn, hạnh phúc và những chuyến bay suôn sẻ. Người ta trưng tượng con hạc ở trong nhà hay ngoài vườn để kích hoạt sự giao thoa đồng điệu của hạnh phúc và tính hài hòa nói chung.

Nếu đặt một bức tượng hạc nhỏ hoặc treo tranh hạc ở phía Nam thì con hạc đó sinh sôi nhiều cơ hội tốt; nếu ở phía Tây thì nó mang vận may cho con trẻ nhà gia chủ; phía đông thì hạc chở khí tốt có lợi cho con trai và cháu trai; và nếu nằm ở phía Tây Bắc, nó kích hoạt sự trường tồn cho cả dòng tộc nhà gia chủ, đặc biệt là tuổi thọ của tộc trưởng.

Hươu

Hươu được xem là con vật phong thủy mang nhiều điềm lành nhất.

Người Trung Quốc quan niệm hươu là biểu tượng cho tốc độ, tính bền vững và cuộc sống lâu dài.

Chữ “hươu” trong tiếng Hoa được đọc là “lu”, phát âm hơi giống một chữ Hoa khác có nghĩa “thu nhập tốt và giàu có”. Chính vì thế người ta hay treo tranh hươu trong văn phòng làm việc để cầu mong công ty mình ăn nên làm ra, hoặc treo trong nhà để cả gia đình gia chủ đó có thể an hưởng cuộc sống lâu dài nhưng êm đềm và sung túc.

Rùa

Rùa đầu rồng hay Long quy, có tác dụng hóa giải tranh cãi, đem lại nhân duyên tốt.

Con rùa nhỏ bé là một trong bốn sinh vật thiên đàng của bà Mẹ Thiên Nhiên còn tồn tại cho đến ngày nay. Truyền thuyết vẫn quan niệm rằng nuôi rùa sống trong nhà thì người đứng đầu dòng tộc ấy sẽ thọ cả trăm tuổi.

Con rùa giấu trong cơ thể và trong những hoa văn trên mai nó tất cả bí mật của trời và đất. Tục truyền rằng khi Ban Cố tạo ra thế giới, ông đã dùng những chú rùa như những chiếc cột chống để giữ vạn vật. Phần gù ở lưng con rùa được coi là trời và phần bụng của chúng là đất, khiến nó trở nên bền vững với thời gian.

Nếu nhìn kỹ con rùa, người ta sẽ nhận thấy nó có một chiếc đầu rắn và một chiếc cổ rất dài. Các nhà phong thủy thường hay trưng trong nhà con rùa đầu rồng để có thật nhiều vận may. Các doanh nhân trưng hình ảnh này phía sau chỗ làm việc thì sẽ can đảm hơn trong việc ra quyết định đồng thời tránh được những rủi ro trong kinh doanh.

Rùa không chỉ là biểu tượng của cuộc sống trường tồn, đó còn tượng trưng cho sự bảo vệ, hỗ trợ vô hình lẫn sự giàu sang thịnh vượng. Trong khoa học phong thủy, Lillian Too chỉ ra hình tượng con rùa đồng nghĩa với những quả đồi phòng vệ nằm ở phía bắc. Tượng rùa nằm ở phía bắc nhà gia chủ được cho là thu hút vượng khí giàu sang, sức khỏe tốt; nếu đặt ở phía bắc phòng làm việc, bạn sẽ nhận được nhiều năng lượng hỗ trợ vô hình cho công việc và sự nghiệp của mình.

Trái đào

Trái đào chín là bộ phận có giá trị tượng trưng nhất của cây đào.

Không có thứ hoa trái nào giàu tính biểu tượng như trái đào, thậm chí mỗi bộ phận trên cây đào cũng chứa đựng hàm ý riêng: cây đào xum xuê trái là lời cầu mong sức khỏe đến mọi thành viên gia đình, gỗ đào để chống lại những linh hồn quấy phá hoặc yêu ma (thời xưa cung tên, mũi tên thường được làm bằng gỗ đào). Nhưng nhìn chung, bộ phận có giá trị biểu tượng lớn nhất vẫn là quả đào.

Theo truyền thuyết, đào là một những loài cây được trồng trong vườn Bất Tử ở núi Thánh và trong khu vườn của Vương Mẫu nương nương, nổi tiếng đến mức Vua khỉ Tôn Ngộ Không thèm khát đến độ phải đi ăn trộm thứ quả này để được trường sinh bất lão… Bày một cành đào bằng ngọc bích hoặc treo tranh vườn đào tiên trong phòng khách sẽ giúp kích hoạt nguồn năng lượng trường thọ trong ngôi nhà gia chủ.

Cây tre

Treo tranh cây tre trong văn phòng và nhà ở sẽ tạo ra năng lượng bảo vệ và đem may mắn cho gia chủ, đặc biệt dễ vượt qua những giai đoạn kinh doanh khó khăn và ngày càng phát đạt.

Cây tre từ lâu đã được xem là biểu tượng của tài lộc trường kì bởi tính kiên cường và khả năng xanh tốt cả bốn mùa, đặc biệt là những ngày đông.

Những mắt tre có ngạnh tượng trưng cho trường thọ và thịnh vượng, có khả năng sống từ hết thế hệ này qua thế hệ khác của khóm tre; trong khi thân tre cứng cáp và dẻo dai lại biểu tượng cho cuộc sống không bệnh tật và ốm đau. Tất cả những bộ phận đấy đều ngầm ý đem lại vượng khí cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.

Trưng cây tre ở góc phía đông phòng khách hoặc trong thư viện/phòng học trong nhà đều có tác dụng kích hoạt nguồn năng lượng bảo vệ và may mắn với sức khỏe cho gia chủ.

Bát tiên (The Eight Immortals)

“Bát Tiên quá hải” là một trong những hình ảnh thường thấy.

Người ta thường treo tranh Phúc Lộc Thọ trong ngày xuân để mong được vừa Phước, con cái đầy nhà, mong Lộc tài sản đầy kho và Thọ lâu trăm tuổi để được hưởng hết những thứ này. Trong khi đó, có nhiều nhà treo tranh Bát Tiên để mong nhận được phép lạ trường thọ và may mắn từ một trong tám vị tiên này.

Tám vị Bát Tiên này, trong đó có sáu tiên ông và hai tiên bà (có giai thoại cho rằng chỉ có duy nhất một người phụ nữ trong Bát Tiên), được người Hoa lưu truyền rằng họ từng sống tại những mốc thời gian lịch sử khác nhau, giữ những quyền năng riêng, nhưng đều có một điểm chung là sống bất tử trong mọi hoàn cảnh nào do họ được nếm qua rượu vào đào tiên; Chính vì thế, người ta thường vẽ tranh Bát Tiên đang cầm những nậm rượu tiên và trái đào chín trên tay.

Theo nữ phong thủy Lillian Too, nên đặt tượng hoặc treo tranh Bát Tiên trong phòng khách để ngôi nhà của gia chủ có thể hút được nhiều điềm lành cho sức khỏe, hạnh phúc và may mắn.

Yên Huỳnh post