NGÀY TẾT – TÌM HIỂU VỀ NGŨ PHÚC (2/2)

NGŨ PHÚC LÀ GÌ ?

(Kỳ 2 – tiếp theo và hết)

壽 THỌ

Thọ là sống được ngoài 70 tuổi. Thời Đỗ Phủ it người sống được đến tuổi đó. Ngày nay tuổi thọ trung bình ở cỡ 75, nên chữ thọ là một chữ trong ngũ phúc tương đối có nhiều người đạt được nhất.

Nhiều người tin rằng đặt đưọc chữ tho chỉ vì thường ăn mì, hay ăn trái đào.  Ước mong đạt được tuổi thọ biểu lộ qua những bức hoành phi có nhưng câu như 壽  比  南  山, thọ bỉ nam sơn, nghĩa là thọ tựa như núi Nam, hay câu 萬  壽  無  疆, vạn thọ vô cương, thọ vạn năm chẳng cùng, hoặc 龜  齡  鶴  壽, quy linh hạc thọ, nghĩa là thọ như rùa hạc. Những lời chúc tụng như  萬 壽, vạn thọ có trong ngôn ngữ Trung Quốc từ đòi nhà Thương nhà Chu, cả mười thế kỷ trước công nguyên, mà giới khảo cổ thường thấy khắc trên những đỉnh vạc đời nhà Chu.  Tín đồ đạo Khổng tin rằng kẻ ở hiền thì sống lâu,  kẻ ở ác thì chết sớm: 仁  者  壽, 惡  者  夭. Hình tương tương trưng chữ thọ là cây thông, cây đào, con hạc con rùa. Các bậc thần tiên đều bất tử, tỷ như Tây Vương Thánh Mẫu.

Hình tượng lão thần là một cụ già có bộ mặt tươi cười, một tay chống gậy đầu long một tay cầm trái đào tiên bất tử.  Tương truyền, lão thần  là một trong Nhị Thập Bát Tú, nguyên là sao Giải Kháng  (Canopus), hay còn gọi là Nam Cực Lão Nhân Tinh, trong  Đông Phương Hạng Long Thất Tú (SudArgo) Ngưòi xưa tin rằng tinh tú ảnh hường tới tuổi thọ con người, và Nam Cực Lão Nhân là vì tinh tú quyết định số mạng con người. Nhà viết sử Tư Mã Thiên đời Hán, tác giả bộ Sử Ký Thiên Cung Thư, cho biết là người xưa tin ràng: 老  人  星 見, 治  安, 不  見  兵  起, lão nhân tinh kiến, trị an; bất kiến binh khởi, nghĩa là sao Lão Nhân hiện ra, thì trị an, không hiện ra là điểm khởi binh biến.

Có nhiều tryện truyền kỳ về thọ thần. Truyện thứ nhất là Bạch Xà Truyện. Tương truyền xuất xứ từ đời nhà Minh, rồi sau cải biến thành một vở tuồng. Bạch Xà hóa thân thành một thiếu nữ sắc đẹp tuyệt vời. Nàng yêu một chàng trai tên là Hứa Tiên, và kết duyên cùng chàng. Một hôm nàng uống lầm một chén rưọu thuốc khiến nàng tái hiện nguyên hình thành một con rắn trắng. Hứa Tiên quá sợ mà chết. Bạch xà về núi Côn Lôn để tìm linh chi tiên thảo có khả năng cứu chồng nàng sống lại được. Chẳng may Bạch Xà không thắng nổi hai tráng sĩ có nhiệm vụ canh gác khóm linh chi thảo. Trước hoàn cảnh đáng thương của nàng, Thọ Thần mủi lòng ban cho nàng linh chi thảo để về kịp cứu chồng.

Truyện thứ hai là một truyện có từ thời Lục Triều. Sách Sưu Thần Ký kể rằng có một thiếu niên tên là  Nhan Siêu, mười chín tuổi, được một lão ông cho hay là sớm mai thì chàng tận số. Nhan Siêu lậy van xin lão ông cứu mạng, nhưng lão ông cho biết là lão không thể nào thay đổi số mệnh được, và lão dục chàng trai mau về giã biệt cha mẹ. Nghe tin, cha mẹ chàng trai gấp tìm gặp lão ông và cùng khấu đầu xin lão ông cứu mạng cho con. Lão ông cho biết là hai người phải về sắm sửa rượu thịt để sáng mai Nhan Siêu bê ra dâng cho hai ông lão chơi cờ ở dưới bụi dâu bên đầu nhà. Ông lão còn dặn kỹ là Nhan Siêu không được mở miệng nói một tiếng. Sáng hôm sau, Nhan Siêu thấy hai ông lão bầy cuộc cờ bên bụi dâu. Đúng y như lời dặn chàng bê mâm rượu thịt ra để bên hai bàn cờ. Sau vài ván cờ, hai ông lão ngẩng lên thấy Nhan Siêu, và cũng nhận ra là đã dùng hết mâm rượu thịt. Hai ông lão bàn nhau thay đổi một vài chữ trong tập mệnh sách để thưởng công cho chàng trai. Ông lão ngồi bên mé Bắc nói rằng việc đó không phải là dễ. Ông lão ngồi bên mé Nam, dở cuốn mệnh sách ra xem kỷ lưỡng rổi nói là việc đó có thể làm được, đoạn lấy bút ra sửa số mười chín thành chín mươi mốt. Người chép truyện bàn rằng ông lão ngồi bên mé Bắc là Bắc Đẩu coi việc sống chết và ông lão ngồi bên mé Nam là Nam Tào chính là thọ thần coi việc tăng giảm tuổi thọ cho con người.

Người Trung Quốc thường dùng hình tượng nhiều loại cây để tiêu biểu cho tuổi thọ. Cây thông bốn mùa xanh lá, ngay cả tại những vùng núi cao, trong ngày đông tháng giá lạnh lẽo, thế nên cây thông là tiêu biểu quen thuộc nhất tuổi thọ. Trong ngôn ngữ Trung Quốc có nhưng thành ngữ quen dùng như 不  老  松, bất lão tùng, nghĩa là cây thông không già, hoặc 松  匊  延  年, tùng cúc diên niên, nghĩa là tùng cúc tăng thọ. Lá thông mọc thành từng cặp, tương trưng cho một cuộc hôn phối êm đẹp. Cây thông còn có tác đông xua đuổi tà ma tới tác quái với người chết trong mộ, nên người ta thường trồng thông tại các tha ma mộ địa.

Người Trung Quốc có truyện truyền kỳ về cây thông như sau. Xưa có người tên Triệu Cù, đau ốm đã nhiều năm. Thấy chàng đã gần ngày tận số, gia đình mang chàng về nhà trong núi chờ chết. Ít lâu sau, có một tiên ông đi qua, thương hại chàng cho một it thuốc bảo phải uống liền một trăm ngày. Sau trăm ngày Triệu Cù khỏi bệnh, da dẻ tươi tắn lại như ngày chưa bệnh. Ngày tiên ông trở lại, Triệu Cù quỳ dưới chân tiên ông để cám ơn cưu mạng, và xin hỏi tiên ông đã dùng thần dược gì để cứu chàng. Tiên ông cho biết vị thuốc chính là dầu thông. Triệu Cù về lại nhà sống đến trăm tuổi tăng không rụng, tóc không bạc. Ngày nay người ta công nhân rằng dầu thông có tác dụng kéo dài tuổi thọ.

Đi đôi với cây thông là cây bách. Trong tiếng việt bách còn có nghĩa là một trăm; trong tiếng Trung Quốc 柏 (cây bách) và 百(một trăm) cùng đọc là bai, tương trưng cho chữ thọ. Bách đi  đôi với tùng trong câu chúc tụng 柏 松 長 青, bách tùng trường thanh, nghĩa là bách tùng trẻ mãi. Kết hợp hình ảnh cây thị vói cây bách thành lời chúc mừng của người Trung Quốc 百 事  如  意, bách sự như ý, nghĩa là trăm sự như ý, vì chữ 柿 và chữ sụ 事, đồng âm trong tiếng Trung Quốc. Cũng như cây thông, cây bách cũng thường được trồng tại nghĩa trang để xua đuôi ma qủy bảo vệ nguời chết năm dưới mồ.

Đứng sau cây thông để tượng trưng chữ thọ là cây trúc, bởi lá trúc cũng giống lá thông xanh tươi suốt năm. Trúc còn tương trưng cho lòng can trường dẻo dai, người xưa mô tả trúc bằng câu: 不  剛  不  柔,  非  草  非  木, bất cương bất nhu, phi thảo phi mộc, nghỉa là không cứng không mền, chẳng là cỏ chẳng là cây. Người ta còn đặt cây mai đứng sau tùng trúc là hai loại cây xanh tươi cả năm, vì cùng tùng trúc xanh tốt, mai là thứ hoa độc nhất nở  vào mùa đông, thế nên người Trung Quốc gọi chung ba cây này là 歲  寒  三  友 tuế hàn tam hữu, ba người bạn thân trong ngày đông tháng giá. Vì đốt trúc thẳng và rỗng lòng, dịch bốn chữ 節  直  心  虛 tiết trực tâm hư, nên từng là biểu hiệu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Đốt một đốt trúc thường gây một tiếng nổ tựa như tiếng pháo. Ngày xưa tiếng nổ dùng để xua đuổi tà ma, thế nên người Trung Quốc có câu 竹報  平  安, trúc báo bình an; và vì chữ trúc 竹 đồng âm với chữ chúc 祝 trong tiếng Trung Quốc, nên câu trúc báo bình an trở thành một lời chúc tụng bình an.

Tiếp tới là cây mai, vì mai là loài hoa nở vào mùa đông, nên hoa mai trắng được chọn làm biểu tương cho chữ thọ, đồng thời còn tiêu biểu cho trinh tiết phụ nữ đài trang. Kết hợp hoa mai với cành trúc thành lời chúc song phúc: 竹  梅  雙  喜, trúc mai song hỷ, thường dùng trong những dịp cưới hỏi.

Sau mai là cúc, một loài hoa nở vào cuối thu và đầu đông, và cũng là một biểu tượng của chữ thọ. Ngoai ra, trong tiếng Trung Quốc, chữ cúc 菊 (hoa cúc) và chữ  cửu 久 (mãi mãi) đều đọc là jiu, thế nên hoa cúc cũng thành biểu tượng cho chữ thọ.

Về mùa xuân ở Đông Á có hoa thủy tiên, kết hợp một khóm thủy tiên với một tảng đá và mấy cành trúc thành cảnh mô tả bởi bốn chữ 群  仙  祝  壽, quần tiên chúc thọ, bởi như trên đã nói, chữ chúc 祝 này đông âm với chữ trúc 竹 và tảng đá tiêu biểu cho tuổi thọ. Không những trái đào, mà hoa đào cũng là một biểu tượng của chữ thọ. Thế nên không lạ gì ở vùng bắc Việt Nam, ngày tết người ta thường trưng cành đào. Trong thơ hoa đào tiêu biểu cho sắc đẹp các thiếu nữ còn trẻ.

Trái đào tiên là một trong những hình ảnh chủ chốt trong truyện thần thoại Tây Du Ký. Chương 5 truyện này kể rằng cây đào tiên ba ngàn năm mới ra hoa, ba ngàn năm sau mới kết trái, ăn được một miếng đào này sẽ sống đưọc sáu trăm năm.Sau khi đại náo thiên đình, Tôn Ngộ Không được Ngọc Hoàng Thượng Đế phong làm Tề Thiên Đại Thánh, lại cho cai quản vườn đào. Từ đó Tề Thiên lén ăn gần hết vườn đào. Tây Vương Mẫu, định mở hội, mời chư quần tiên, sai bẩy Tiên Nữ tới vườn đào hái đào chín mang về làm tiệc bàn đào tại điện Bửu Các. Bẩy Tiên Nữ gặp Tề Thiên cho Tề Thiên biết là Tề Thiên không được mời tới dự tiệc. Tức giận Tề Thiên đằng vân tới điện Bửu Các, ăn một hơi tàn tiệc, uống rượu quý đến say mèm. rồi chợt tỉnh thấy mình lén ăn gần hết vườn đào tiên, nay lại phá tàn tiệc bàn đào, bèn sợ hãi quay về tư dinh, nhưng quá say lạc vào cung Đâu Xuất, dinh của Thái Thượng Hoàng Lão Quân. Vào dinh Thượng Hoàng Lão Quân, Tề Thiên thấy năm chiếc bầu đựng thuốc trường sinh. Tề  Thiên không e ngại nuốt trọn cả năm bầu. Thế là Tôn Ngộ Không vừa ăn đào tiên, vừa uống được linh  đơn, hai thức cực qúy để trường sinh bất tử.

Theo truyền thoại, Tây Vương Mẫu là một nữ thần linh của Đạo Giáo, không những cai quản vườn đào tiên lại có trong tay  môn thuốc trưòng sinh. Nhiều bức tranh dân gian tượng trưng Tây Vương Mẫu như một thần nhân : thời thái cổ Tây Vương Mẫu có nửa người như người thường, có hàm răng cọp, có mái tóc dựng đứng, nửa ngưởi dưới mang hình con báo; sau dần dần biến hóa thành một người nữ. Có thoại nó Tây Vương Mẫu là vợ Ngọc Hoàng Đại Đế, tức là vợ vua trên trời. Một thoại khác kể rằng, ngoài hai ngàn năm trước, Tây Vương Mẫu dáng xuống trần, mang tặng vua Vũ Đế nhà Hán, bốn trái đào tiên, ai ăn được một trái sống được sáu trăm năm. Ăn hết đào vua Hán giữ hột, mong trồng với hy vọng gây được đào tiên nơi hạ giới. Tây Vương Mẫu biết truyện tâu lên vua rằng, đất đai hạ giới không đủ mầu mỡ để nuôi dưỡng cây đào tiên, phải qua sáu ngàn năm mới có quả. Truyện ăn đào tiên từ đó tới nay chỉ là giấc mộng trường sinh bất tử của con người.

Đứng sau TâyVương Mẫu, có nữ thọ thần. Trong truyền thuyết, nũ thọ thần tên là Ma Cô, trên nhiều tranh dân gian, nữ thọ thần thường cỡi hạc, hay cỡi hươu, trong tay thường có trái đào, hoặc trái phật thủ hay bình rượu. Dung nhan  thọ thần thường là một thiếu nữ trẻ tuổi, chừng mười tám đôi mươi, nhưng thật ra Ma Cô là một vị nữ thần không tuổi tác. Nữ thọ thần được ai quản biển Đông, kể từ ba lần dâu biển, kỳ nọ cách kỳ kia cả triệu năm.

Theo sách thần thoại Tây Du Ký, Ma Cô cũng là khách mời của Tây Vương Mẫu. tới dự tiệc bàn đào, và nhân dịp này Ma Cô dâng tăng Tây Vương Mẫu rượu thần cất bằng linh chi. Tích này tới triều nhà Thanh (1661-1911) cải biến thành tuồng 痲  姑  獻  壽  酒 , Ma Cô hiến thọ tửu, thường trình bày nhân dịp chúc thọ trung cung vua.

Theo sách Thần Tiên Truyện, từ đời nhà Tấn, thọ thần Ma Cô là một thiếu phụ nhan sắc tuyệt trần, có nhiều phép lạ, như có thể đi trên mặt nưóc, biến gạo thành linh đan. Anh ruột thọ thần tên là Vương Phương Bình, làm quan tại Đông Hải, là một nhà bói toán nổi danh, suốt đời nghiên cứu dịch số, sau chết thành tiên bay về núi.

Trong sách đời nhà Minh (1368-1644),  Liệt Tiên Toàn Truyện, cha của Ma Cô vốn là tướng Ma Thu hống hách với thuộc hạ thời Lục Quốc (304-439). Để xây cất doanh trại, ông bắt một toán thợ làm suốt đêm, cho tới khi gà gáy sáng mới được nghỉ. Động từ tâm, thương đám thợ vất vả, Ma Cô có biệt tài giả tiếng gà gáy. Mỗi khi nàng gáy, gà trong khắp xóm gáy theo, toán thợ được nghỉ sóm. Truyện này đến tai Ma Thu, ông tức giận và cho người đi lùng bắt con gái, nhưng nàng trốn vào núi và trỏ thành nữ thọ thần.

Sau nữ thọ thần, đến truyện Hằng Nga, nữ thần ngự trị trên cung trăng, cũng là một vị nữ thần trưòng sinh bất tử. Tương truyền Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ, một xạ thủ có tài bắn cung. Thủa đó có chín con quạ biến thành chín mặt trời nung nấu trần gian. Hậu Nghệ trổ tài bắn cung bắn rơi cả chín mặt trời. Tây Vương Mẫu, thường công cứu nạn cho dân ban cho chàng một viên linh đan bất tử, và dậy rằng Hậu Nghệ phải nhịn đói một năm rồi mới uống thuốc thì mới linh nghiệm. Hậu Nghệ mang thuốc về cất kỹ trong nhà. Nhân lúc Hậu Nghệ vắng nhà, Hằng Nga lấy trộm thuốc, nuốt trọn,. Người nàng trở thành vô cùng nhẹ và bay xuyên mây lên mặt trăng. Hậu Nghệ cố tình bay theo mà không nổi. Lên tới mặt trăng, Hàng Nga bị phạt  biến thành con Thiềm Thừ hay con cóc  và viên thuốc bất tủ thành Ngọc Thỏ, và từ đó Hằng Nga vĩnh viễn sống đơn côi trên Cung Quảng.

Sau đó, trong dân gian lại có truyện về Hằng Nga như sau. Trải qua không biết bao nhiêu ngàn vạn năm, Hàng Nga lấy lại được nhan sắc diễm lệ ngày trước, và hàng năm, vào ngày rầm tháng tám âm lịch, người trần thế lại thấy nàng hiện về nhân dịp lễ Trung Thu.

Ngoài những nhân vật thần thoai như Tây Vương Mẫu như Hằng Nga có biệt tài bất tử, người trần thế đạt nổi được tới cỡ bất tử này có Bát Tiên, tức tám vị tiên đạo giáo. Tám vị tiên này là : Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Thiết Quầy Lý, Tào Quốc Cậu, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên cô, và Lam Thái Hoà. Tất cả đều sinh ra đời như mọi người, nhưng vì dầy công tu luyện, nhờ đạo đức can trương hỷ xả mà đạt đưọc tới cõi tiên.

Tám người không sinh ra cùng thời. Tiểu truyện từng người lưu truyền trong dân dan trải dài trên sáu trăm năm, từ đời Đường đến đời Tống. Nhưng từ đời nhà Nguyên dân gian bắt đầu thờ tám vị tiên này chung một nhóm tại các quán đạo.

Truyện truyền kỳ phổ thông nhất về tám vị tiên này là bộ Bát Tiên Quá Hải. Tây Vương Mẫu vời tám vị tiên này về dự tiệc tại Dao Trì. Trong bữa tiếc cả tám vị uống rượu tiên tới say mèm. Tiệc tan, từ giã Tây Vương Mẫu, cả tám người ai dùng bửu bối của người nấy, vượt biển đông về hạ giới. Lý Thiết Quài, dùng một cây gậy sắt, Trương Quả Lảo cỡi con ngựa giấy, Lữ Đồng Tân dùng một ống sáo, Hàn Tương Tủ ngồi trong một rỏ hoa, Lam Thái Hoà và Tào Quốc Câu ngồi chung một tấm bàn ngọc, Hà Tiên cô dùng một chiếc dù, Hán Trung Li dùng một chiếc quạt lông. Long Vương ở biển Đông có hai con là  Ma Yết và Long Độc, theo rõi chuyến vượt biển đông hi hữu này, bèn lập mưu bắt đưọc Lam Thái Hoà cướp tấm ngọc bàn. Bẩy vị tiên tức khác đuổi theo và lân phiên giao chiến anh em Ma Yết và Long Độc. Kết cục giết được Ma yết và đánh trọng thương Long Du. Để trả thù, Long Vương cầu cứu Long Vương khắp bốn bể, nhưng cũng không thắng nổi bát tiên. Cuộc chiến kéo dài, Đức Như Lai và Phật Bà Quan Âm phải đứng ra dàn xếp, cuộc chinh chiến mới chấm dức. Bát tiên được người đời kính trọng vì không nhưng cả tám vị đều có tài cao tuyệt thế mà còn biết đồng tâm hiệp sức lo cứu nạn cho nhau.

Truyện truyền kỳ về chữ thọ thường nói tới nấm linh chi, một loại dược thảo giúp con ngường trở thành bất tử. Đây là một loại nấm, có tên khoa học là Polyporus lucidus rất được đông y coi trọng vì có phẩm chất dinh dương cao. Nấm này tiêu biểu cho thuốc trường sinh cũng như đặc tính hồi sinh cấp cứu. Theo truyền thuyết Dạo Giáo, nấm linh chi mọc tại đảo Bồng Lai ngoài biển Đông, nơi thần tiên ccu ngụ, và thuốc trường sinh nhiều như nước tù nhưng giếng ngọc ohun lên. Trên các tranh dân gian, nấn linh chi thương đi kèm với hình con hươu con hạc, nhưng hình tượng thông dụng tiêu biểu chữ thọ, để tạo thành những hình tưọng tiêu biểu cho song thọ thường thấy dùng trang trí trên tường các quán đạo. Trên nhiều bức khác, nấm linh chi thưòng kết hợp với hình cá trê, nguyên tiếng Trung Quốc đọc là niên, toàn bộ bức tranh đọc thành câu chúc tụng niên niên như ý.

Sau nấm linh chi, củ nhân sâm cũng được dùng tiêu biểu cho chữ thọ. Củ nhân sâm có hình thái tựa như hình người và có giá tri dược liêu rất cao, dùng làm thuốc chữa nhiều thứ bệnh và cũng dùng làm thuốc bổ.

Mỳ sợi dài cũng được người Trung Quốc lấy làm tiêu biểu cho chữ thọ. Có một hãng làm mỳ bán chạy nhất Trung Quốc lấy chữ thọ đặt tên cho mỳ họ sản xuất. Truyện kể rằng, dưới triều vua Đường Huyền Tôn, trong buổi khó khăn hoàng hậu phải đổi một tấm khăn lấy một bát mỳ dâng hoàng thương nhân dip sinh nhật. Cho tới ngày nay, người ta ăn mỳ vẫn kiêng không cắt ngang nhưng sợi mỳ vì tin rằng cắt ngang sợi mỳ là làm giảm đời sống.

Người Trung Quốc cũng như người Việt, không ăn mừng ngay sau khi có con chào đời, mà chờ cho con đầy tháng. Nhân dịp này người ta thường tặng cho đứa nhỏ hoặc một chiếc dây đeo cổ, gọi là trường mệnh tỏa, hoặc một chiếc khánh bằng kim khí khắc bốn chữ 長  生  百  歲, trường sinh bách tuế, nghĩa là sống lâu trăm năm, đeo bằng một sợi giây năm mầu. Người ta tin rằng sợi giây năm mầu này có khả năng xua đuồi tà ma quấy phá đứa nhỏ. Ở Việt Nam, có nhiều gia đình cho đứa nhỏ đeo vào chân một sợi dây chuyền, bằng bạc hoặc bằng vàng, tùy gia cảnh, cũng có cùng ý nghỉa với sợi dây trường mệnh tỏa.

Ngày nay, ngay tại Bắc Kinh, tục tặng cho trẻ sơ sinh một chiếc trưòng mệnh tỏa bằng đồng, nhân ngày đầu tháng vẫn còn thịnh hành.

Có hai linh vật tiêu biểu chữ thọ.  Một là con hạc. Hạc là một giống chim chân dài cổ dài, hiện coi là một loài chim đang dần dần tuyệt giống. Tù lâu rồi hạc tiêu biểu cho chũ thọ. Trong thơ Đương có bài Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng của Thôi Hiệu, kể lại tích người tiên bất tử cỡi hạc về trời. Hạc được coi là một loài chim bất tử. Kệt hợp với cây thông thành bức tranh mang tên 鶴  壽  松  齡 , hạc thọ tùng linh, biểu thị ước vọng được sống dai như hạc như tùng. Hình tượng hạc kết hợp với rùa, thành câu 龜  鶴  齊  齡, quy hạc tề linh cùng ý nghỉa sống lâu như hạc như quy. Ngoài ra hình ảnh một con hạc, đứng trên một tảng đá, trên mặt sông ngưóc nhìn vê phía mặt trời tiêu biểu cho ước vọng của ngưòi làm quan mong đạt đưọc tới mức nhất phẩm triều đình, bởi hạc đươc coi là nhất phẩm điểu, loài chim đứng đầu hàng chim, và mặt sông tiêu biểu cho dòng nước thủy triều bởi chữ 潮 trong chữ thủy triều và chữ 朝 trong từ ngữ triều đình đọc như nhau trong tiếng Trung Quốc và trong tiếng Việt Nam.

Trong nhiều truyện truyền kỳ, người thường biến thành hạc bay về cõi tiên. Trong tiểu thuyết Sưu Thần Ký, thời nhà Tấn, kể lại truyện người Đinh Linh Uy, ẩn cư tại núi Linh Hư, luyện linh đan, đắc đạo thành tiên, một ngàn năm sau biến thành con hạc trắng, bay về quê xưa, đậu trên cửa Đông, ngâm bài thơ dưới đây:

有  鳥  有  鳥  丁  令  葳 hữu điểu hữu điểu Đinh Linh Uy

去  家  千 年 今  始  回 khứ gia thiên niên kim thuỷ hồi

成  郭 如  故  人  民  非 thành quách như cổ nhân dân phi

何  不  學  仙  去, 空  伴  家  累  累 hà bất học tiên khứ,  không bạn gia lụy lụy.

Yên Huỳnh