Năm Cọp nói chuyện tâm linh

CỌP TRONG 

THẾ GIỚI TÂM LINH

– Thiên Việt

Hình ảnh của mười hai con giáp thì chúng ta ai lại không biết về nó và thuộc lòng từ Tý, Sửu, Dần, Mẹo… đến Hợi.

Năm nay là vào Thiên Can thứ bảy và Địa Chi thứ ba nên mang tên Canh Dần. Canh là một trong Thập Can; và Dần là một trong Thập nhị Chi. Cả hai tính về Âm Dương, thuộc Dương, nên được gọi năm Dương Tuế. Còn ngũ hành thuộc Mộc (Tùng Bá Mộc – Cây tùng già) – Tính theo độ số Ấu Tráng Lão trong Ngũ Hành thì thuộc Tráng ứng vào cung Quan Đới của vòng Trường Sinh tức bắt đầu trưởng thành, chủ về quyền tước, địa vị. Là hướng thịnh. Tuy nhiên gặp năm hay gặp tuổi tính về Sinh xuất hay Khắc nhập như sợi dây treo cổ thường gặp phải tai ương bệnh tật.

Năm nay thuộc Canh Dần, chúng ta thử tìm hiểu đôi điều về Cọp. Một số địa phương còn gọi là Hổ, Hùm hoặc trong tín ngưỡng dân gian gọi cọp là Ông Dinh hay ông Ba Mươi để tránh phạm húy, vì cọp còn được thờ phụng trong các đình miếu

Đa số người còn muốn biết về tính chất của hai chữ Canh Dần qua các yếu tố tâm linh, đồng thời có thêm một số kiến thức về Cọp. Chúng tôi xin lần lượt nói đến…

1/- TÍNH CHẤT TÂM LINH

Dần mang 5 ngũ hàng tính theo thứ tự theo năm sinh âm lịch (tính vào năm Canh Dần 2010) :

– Mậu Dần 13 tuổi và 73 tuổi : Thành Đầu Thổ

– Bính Dần 25 tuổi : Lư Trung Hỏa

– Giáp Dần 37 tuổi : Đại khê Thủy

– Nhâm Dần 49 tuổi : Kim Bạch Kim

– Canh Dần 1 tuổi và 61 tuổi : Tùng Bá Mộc

Trong Mệnh Lý học hai chữ Canh Dần được diễn đạt qua biện chứng Can Chi – Âm Dương – Ngũ Hành như sau :

– CANH thuộc Dương Kim nằm thứ bảy trong Thập Can, chủ về kim loại. Còn DẦN thuộc Dương Mộc nằm thứ ba trong Thập Nhị Chi, tượng hình của khí động, vạn vật muốn vùng lên mà đâm chòi nảy lá. Cả hai thuộc Dương tức số lẻ.

Qua tính chất trên có thể nói năm Canh Dần thuộc vào năm con “cọp thép”, lạnh lùng mà năng nổ, không chịu phục tùng ai như chúa sơn lâm muốn làm chủ một cánh rừng. Luôn luôn có ý chí tự tiến thân.

Tuy nhiên để được ảnh hưởng về độ số may mắn còn tùy thuộc vào ai hợp với năm Canh Dần, như hợp về Thiên Can Địa Chi, Âm Dương Ngũ Hành. Phân tích các điều kiện trên chúng ta diễn đạt được như sau, về :

– Thiên Can ngũ hợp hóa :

Tuổi Canh hợp với Ất (tuổi hay ngày tháng mang chữ Ất), vì Ất Âm Mộc còn Canh Dương Kim gặp hóa Kim. Lưu ý Kim đây không phải kim tiền mà thuộc Ngũ Hành, người mang chữ Canh hoặc mạng Kim gặp chữ Ất là hợp.

– Thiên Can tương xung :

Giáp xung Canh tức hướng Đông xung với hướng Tây. Nói về phong thủy, ai mang chữ Canh không nên đi về hướng Đông, nhất là tạo dựng nhà cửa sẽ gặp nhiều điều xui rủi, không may mắn.

– Thiên Can tương khắc :

Bính khắc với Canh : Bính thuộc Dương Hỏa, Canh Dương Kim, là Hỏa khắc Kim, Canh bị Khắc Nhập.

– Canh khắc với Giáp : Giáp thuộc Dương Mộc, là Kim khắc Mộc. Canh được Khắc Xuất.

Khắc Nhập (xấu) Khắc Xuất (bình hòa)

Địa Chi lục hợp :

Dần hợp với Hợi hóa Mộc, vì Dần Dương Mộc còn Hợi Âm Thủy, là Thủy sinh Mộc tức Dần được Sinh Nhập (tốt).

– Địa Chi tam hợp :

Dần Ngọ Tuất tam hợp sinh Hỏa cục, ai mang mạng Hỏa sẽ được tốt đẹp nhiều phần.

– Địa Chi lục xung :

Dần Thân xung nhau, vì Dần Dương Mộc còn Thân Dương Kim, là Kim khắc Mộc. Tuổi Dần gặp chữ Thân kém đi phần phúc.

– Địa Chi phá nhau :

Dần phá Tỵ vì Tỵ thuộc Âm Hỏa, là Hỏa khắc Kim, nên tuổi Dần gặp chữ Tỵ mất phần phúc.

– Địa Chi tứ hành xung :

Dần Thân Tỵ Hợi thường xấu theo từng cặp trong Lục Xung như Dần với Thân và Tỵ với Hợi, hay Dần với Tỵ, còn Dần với Hợi thuộc Địa Chi lục hợp chỉ xung khi tuổi Hợi mang hành Kim gặp khắc nhập mà thôi.

– Ngũ Hành biện chứng :

Qua tính cách Thiên Can Địa Chi năm Canh Dần như vừa diễn giải. Nhưng không phải trong xung khắc hay hóa hợp đều tốt hay xấu như đã nói, vì chúng còn ảnh hưởng về thuật biện chứng trong Ngũ Hành. Như bảng Ngũ Hành Vượng Tướng Hưu Tử Tù dưới đây :

Cách xem : Thí dụ như Canh Dần ngũ hành là Tùng Bá MỘC (cây tùng già), nhìn vào cột Ngũ Hành sở tại nơi chữ Mộc, thì những ai mang hành Hỏa sẽ được may mắn vì gặp vượng, hành Mộc thành đạt vì “Lưỡng Mộc thành lâm” thuộc tướng, hành Thủy sẽ suy do gặp hưu, hành Thổ bị Khắc Nhập do gặp tử, còn hành Kim gặp hao tổn tù. Lý do :

Mộc sinh Hỏa : được Vượng là do Hỏa được sinh còn Mộc hao tổn, vì cây bị lửa đốt cháy rụi. Nên Hỏa được sinh nhập có phần phúc, còn Mộc gặp sinh xuất mất phần phúc.

Lưỡng Mộc thành lâm : được Tướng, vì cây cùng cây hội lại thành rừng, từ rừng thưa thành cánh rừng rậm.

Thủy khắc Mộc : gặp Hưu, vì Thủy là nước chăm bón cho cây được xanh tốt nên suy kiệt. Nên chỉ có Mộc lợi không bị hao tổn gì.

Mộc khắc Thổ : gặp Tử, như Thủy, đất dùng để trồng cây bao nhiêu màu mỡ đều bị cây hút hết làm đất cằn cỗi.

Kim khắc Mộc : gặp Tù, cây bị búa chặt phá, cả hai đều bị hao tổn, cây chết mà búa cũng phải mòn. Mộc bị Khắc Nhập (xấu) còn Kim gặp Khắc Xuất (thứ hung).

Qua các thí dụ trên, sự tương sinh hay tương khắc chỉ có một chiều như Mộc sinh được Hỏa chứ Hỏa không sinh được Mộc; Mộc khắc Thổ chứ Thổ không khắc được Mộc…

Đây chỉ là phần cơ bản trong thuyết biện chứng, bởi trong Mệnh Lý học trong khắc có sinh hay trong sinh có khắc, muốn diễn giải cặn kẽ phải soạn ra một cuốn sách dày.

2/- RÂU VÀ NANH CỌP

Theo người xưa qua những kinh nghiệm từng trải, cho rằng con cọp khi chết đi thân xác nó có nhiều tác dụng :

Về nanh cọp :

– Trẻ con hay người lớn đeo nanh cọp trước ngực sẽ tránh được phong hàn, gió độc.

– Nam nữ thanh niên xem nanh cọp như thứ bùa yêu, ai đeo nó trong người sẽ ăn nói rất có duyên, dễ gây cảm tình với người khác phái.

– Bọn trộm đạo có nanh cọp trong người sẽ không còn sợ chó dữ sủa cắn.

– Có người còn nói có nanh cọp tên bắn không thủng, đạn ghim không chết, đi rừng gặp thú dữ nào cũng không sợ chúng tấn công.

Bởi thế từ xưa mọi người thường đi tìm nanh cọp để phòng thân, và tạo nó thành món hàng trang sức độc đáo, nhưng trong 10 nanh cọp tỷ lệ nanh cọp thật chỉ có một hai cái, do con buôn làm ra từ sừng trâu hoặc từ ngà voi.

Về râu cọp :

Thông thường người đi săn cọp, khi hạ được cọp liền đốt râu ria của chúng không để tồn tại.

Mọi người cho rằng, ai có được râu ria của cọp nuôi thành sâu để dùng hại người. Do khi râu cọp đựng trong ống tre nứa chôn sâu dưới đất đủ 100 ngày, mỗi sợi râu biến thành một con sâu độc.

Sâu độc bò qua thức ăn, chén, muỗng, đũa, ai dùng phải sẽ trúng độc mà chết. Sâu bò qua áo quần sẽ trở bệnh phong cùi ghẻ lỡ v.v…

3/- ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CỌP

Cọp nằm trong họ Mèo, là loài động vật to khỏe nhất. Đầu to, cổ ngắn, tai nhỏ, bốn chân to khỏe, móng sắc nhọn, đuôi dài bằng nửa thân. Một con cọp nặng trung bình từ 150 đến 200 kg, thân dài 1,5m đến 2m, còn đuôi khoảng 1m. Đa số da cọp màu vàng có vằn đen, phía bụng và trong chân có lông trắng. Có loại Bạch Hổ (cọp trắng) nhưng rất hiếm. Ở VN nơi khu du lịch Đại Nam gần thị xã Thủ Dầu Một có nuôi một con cọp trắng để mọi người tham quan.

Cọp có tất cả tám giống, thường sống ở những vùng rừng núi nhiều cỏ tranh. Tuy nhiên trong thời gian giao cấu hoặc nuôi con, cọp đực cọp cái và cọp con thường sống quây quần bên nhau, nhưng chỗ ở không cố định. Ban ngày cọp nằm phục một chỗ về đêm mới hoạt động tìm ăn. Thức ăn của cọp là hươu nai, sơn dương hay các loài ăn cỏ khác như lợn rừng, đặc biệt cọp có thể tìm bắt những súc vật nuôi như chó, trâu, bò, heo có khi ăn cả thịt người.

Mỗi con cọp cái có thể đẻ từ 2 đến 4 con, sau 3 – 4 năm thì cọp con trưởng thành. Cọp có giá trị kinh tế rất lớn, thịt ngon và bổ, da thuộc để trang trí hay nhồi bông; xương dùng để làm thuốc.

4/-  CHẾ BIẾN XƯƠNG VÀ LÀM CAO HỔ CỐT

Muốn săn cọp có thể dùng bẫy để bắt sống hay dùng tên độc, súng săn. Tùy theo cọp to cọp nhỏ mà xương của nó to nhỏ. Nếu cọp dưới 100kg nhỏ quá sẽ ít thịt, xương nấu cao hổ cốt sẽ có phẩm chất kém. Vì trung bình một bộ xương nặng từ 10 có thể tới 15-16 kg, còn con nhỏ chỉ có 4-5 kg . Căn cứ vào sức nặng của xương, người ta xác định được giá trị và phẩm chất của loại cao hổ cốt. Bộ xương nặng dưới 4 kg thuộc loại xấu.

Toàn bộ xương cọp đều tốt, nhưng xương 4 chân và đầu được coi quý hơn cả, đặc biệt xương chân trước không thể thiếu khi nấu cao, do tỷ lệ xương chân trước chiếm chủ yếu, và xương chân trước (humerus) có một lỗ hổng đặc biệt gọi là mắt phượng có thể để phân biệt chân cọp thật giả.

Như trong một bộ xương cọp nặng hơn 6 kg, thì xương đầu nặng 1kg chiếm 15 %, xương 4 chân nặng 3,390 kg chiếm 52 %, xương sống kể cả xương cổ nặng 0,900 kg chiếm 14 %, xương sườn có 13 đôi nặng 0,355 kg chiếm 5,5 % (không có xương ức), xương chậu nặng 0,355 kg (cả hai mảng) chiếm 5,5%, xương bả vai nặng 0,260 kg chiếm 4 %, xương đuôi nặng 0,146 kg (kể cả xương cùng) chiếm 2,2 %, còn hai xương bánh chè nặng 0,030 kg chiếm 0,45 %. Người nấu cao hổ cốt dùng nguyên bộ xương mà lọc bỏ hết gân thịt mới đem đi nấu.

– Cách nấu cao hổ cốt.

Với toàn bộ xương cọp như đã nói, số lượng tùy theo nhiều ít. Việc nấu cao hổ cốt trước đây thường chỉ nấu ở miền rừng núi vì ở đồng bằng nhiều người mê tín cho rằng nấu cao hổ trong nhà sẽ gặp nhiều chuyện không may.

Theo kinh nghiệm trong dân gian ít khi người ta chỉ sử dụng một thứ xương cọp, mà phải phối hợp với nhiều loại xương động vật khác cùng các vị thuốc thảo mộc như thiên niên kiện, địa liên v.v… Tốt nhất phải kiếm đủ 5 bộ xương gồm chủ yếu xương cọp còn lại là xương khỉ, xương sơn dương hay heo rừng, hươu nai; vì cọp là chúa sơn lâm cần có các vị quần thần theo hầu, nghĩa là có vua có quan.

Trước khi nấu cao hổ cốt, xương cọp phải lóc hết thịt rồi cho vào một cái dỏ lớn bằng tre, đem ngâm trong suối chừng hai tuần lễ. Trong thời gian này thịt còn sót sẽ thối rữa trôi theo nước. Sau đó treo dỏ xương lên cây cho khô. Trước đây người ta cho làm như vậy để “khu phong” nghĩa là loại bỏ các khí xấu. Thời gian cũng dài khoảng hai tuần.

Chế biến như vậy xương sẽ sạch không có mùi hôi. Lấy chày đập thành mảnh nhỏ để dễ rửa sạch hết tuỷ. Lại đem ngâm một ngày một đêm vào nước rau cải luộc. Ngày hôm sau lại rửa xương cọp bằng nước rồi lại ngâm xương vào rượu có gừng để cho hết mùi hôi tanh. Cuối cùng cho nước vào đủ ngập chừng vài phân rồi nấu nhiều lần. Hiệu suất trung bình 100 kg xương cọp cho chừng 30 kg cao hổ cốt.

Ngoài cách nấu cao hổ cốt, người ta dùng xương 4 chân, xương đầu và xương cổ của cọp, loại xương có màu vàng là tốt. Khi chế biến dùng chày đập vỡ, cạo bỏ tủy, đoạn đổ rượu hay giấm vào xương rồi đem nướng trên than ra màu vàng nhạt dùng để sắc uống hay dùng ngay xương này để ngâm rượu.

– Công dụng của cao hổ cốt

Xương cọp và cao hổ cốt là vị thuốc được tín nhiệm trong dân gian, chủ yếu dùng để trị những bệnh đau xương, tê thấp, đi lại khó khăn, đau nhức hoặc dùng làm thuốc bổ.

Theo tài liệu, xương cọp có vị cay tính ôn vào 2 kinh can và thận; có tác dụng làm hết đau, mạnh gân cốt. Nếu hồi hộp lo phiền nên dùng xương đầu, chân tay đau nhức nên dùng xương chân. Tuy vậy người huyết hư hỏa thịnh không dùng cao hổ cốt hay xương được .

Một hình thức dùng cao hổ cốt làm thuốc bồi dưỡng là làm thịt một con gà giò, mổ bỏ ruột. Cho vào bụng gà một miếng cao hổ cốt khoảng 10 – 20g. Rồi đặt con gà có nhét cao hổ cốt vào một cái liễn sứ hay ca tráng men, thêm vào đó chừng một chén rượu nhỏ, không cho nước vào rồi đun cách thủy. Nước trong thịt con gà sẽ bốc lên sẽ làm chín thịt và hòa tan chất cao hổ cốt vào trong thịt gà, đến khi thịt chín nhừ. Chỉ lấy chất nước tiết ra cho người yếu ăn. Cách dùng cao hổ cốt này thường dùng cho những người mới đau ốm vừa tỉnh ăn cho lại sức.

5/- MẠN ĐÀM VỀ CỌP

Bây giờ xin mạn đàm theo ý của “Đồng Nai Công Tử” :

Người xưa có câu “Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần…” Như vậy có Trời trước, kế đến có đất rồi sau mới có Người.

Đúng ! Mấy ông nhà Nho xưa dựa sách Tầu nói nghe cũng có lý. Nhưng mà “Thiên khai ư Tý” hồi nào, cái Big Bang ấy cách nay 25 tỷ năm, 30 tỷ năm ? Chưa ai dám nói chắc. Rồi cái “Địa tịch ư Sửu” ấy hồi nào ? 3 tỷ năm, 4 tỷ năm trước đây ? Người ta cũng phỏng chừng chứ chưa ai dám khẳng định. Còn chuyện “Nhân sinh ư Dần”, thì người ta nói cái vụ này xảy ra ở Phi Châu, cách đây khoảng 2 triệu năm. Đúng hay không đúng? Mấy cái chuyện ấy xa xôi quá.

Hồi thời Pháp, có cụ Nguyễn Khoa Vy, sinh năm 1881, người phủ Thừa Thiên có làm một bài thơ 8 câu mà kể đủ mười hai con giáp. Cái lắt léo của bài thơ là phải dùng ca dao, tục ngữ để nói về các con vật của đủ mười hai chi mà không được nói thẳng ra. Cụ Vy làm bài thơ ấy như sau:

1- Tha ra, cắp lấy, bộ loay hoay (Tuất – Chó & Mão – Mèo)

2- Đào lỗ không nên tiếng cả bầy. (Tý -Chuột)

3- Lạc ngõ theo đuôi trâu dễ bước, (Trâu – Sửu)

4- Cả gan bóp dái chẳng gờm tay. (Ngựa – Ngọ)

5- Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu, (Heo – Hợi & Khỉ – Thân)

6- Cối vẫn ăn no, ỉa miễu đầy. (Gà – Dậu & Dê – Mùi)

7- Cá gáy hóa ra, chi có cánh, (Rồng – Thìn & Hùm – Dần)

8- Mồng năm len lét trốn đi ngay. (Rắn – Tỵ)

Trong câu 1, tác giả nói đến chó, mèo qua câu tục ngữ “Chó tha ra, mèo cắp lấy.” Câu 2 : theo câu tục ngữ : “Chuột bầy đào không nên lỗ.” Câu 3 : “Lạc ngõ theo đuôi trâu.” Câu 4 : “Cả gan bóp dái ngựa.” Câu 5 : “Cám treo để heo nhịn đói” và câu “nhăn răng như khỉ ăn ớt.” Câu 6 : câu tục ngữ : “Gà què ăn quẫn cối xay” và câu “Nuôi dê để ỉa miễu.” Câu 7 : “Cá chép hóa Rồng” và câu “Cơ chi hùm có cánh.” Câu 8 : “Len lét như rắn mồng năm.” Đúng là một bài thơ hết sức công phu.

Điểm qua điểm lại, mười hai con giáp ấy rất quen thuộc với loài người. Trừ Rồng là một con vật tưởng tượng, còn mười một con giáp kia, người ta ai cũng từng gặp qua, kể cả con Cọp có vẻ hơi khó gặp nhưng không một sở thú nào là không có.

Giận ai, người ta hay nói : Cái bản mặt thằng đó mười hai con giáp không giống con giáp nào ! Nói vậy là bậy vì giận quá mất khôn. Không giống con giáp nào còn đỡ, giống một trong mười hai con giáp mới khó coi. Một cái bộ mặt chuột, mặt trâu, mặt rắn, mặt mèo đâu có hay ho gì ! Đến như đồ mặt heo, cái tù mặt chó, cái bản mặt dê xồm, cái thứ mặt gà mái, cái mặt dài như mặt ngựa, thứ đồ mặt khỉ… thì quả là tệ hại.

Đến như mặt cọp. Ai dám nói người mang mặt cọp là một con người đẹp trai ? Còn nếu các bà, các cô lại càng nguy hiểm : đàn bà con gái gì mà dữ như cọp ! Quanh đi quẩn lại chỉ có mặt rồng là quý. Long nhan là mặt vua. Thế nhưng nhìn cho kỹ, cái bộ mặt con Rồng cũng không lấy gì làm dễ coi. Con mắt thì lộ, lỗ mũi thì to.

Và vì mười hai con giáp là những con vật quen thuộc cho nên tính đi tính lại, mười hai con ấy đều bị người ta ăn thịt. Có người sẽ cãi: Thịt rồng ở đâu mà ăn ? Thưa có ! Lý ngư hóa long, cá chép sẽ hoá rồng sau khi vượt tam cấp Vũ môn. Ăn cá chép tức là ăn con rồng lúc chưa tung mây, lướt gió. Còn mười một con kia thường quá. Có hai con giáp bị người ta ăn gần như hàng ngày, là anh Hợi và chị Dậu. Tuất, Sửu và Mùi thì thỉnh thoảng. Đối với một số người ở thành phố thì Tý và Tỵ là hai thứ hiếm. Ngọ và Mão ít người ăn. Đến ông Dần lại càng hiếm hơn nữa, hiếm hơn cả ông Thân mà chỉ vùng rừng mới có.

Ai đã từng “lội” về vùng Mộc Hoá, Kiến Tường, Mỹ An, Cao Lãnh thì phải nhớ đến chuột và rắn. Rắn kho muối ớt, rắn bông súng nấu canh chua với trái chòi mòi, chuột nướng lửa củi tràm… thay cho những hộp thịt ba lát đã ngấy lên tận cổ. Rồi đến thịt mèo chẳng chê, thịt ngựa cũng chẳng chối từ.

Trong mười hai con giáp chỉ có rồng là con vật thần thoại, còn bao nhiêu đều là những con vật rất quen thuộc, kể cả con cọp. Chẳng nói đâu xa, hồi thập niên 50, thế kỷ trước, ở Việt Nam, người đi đêm vẫn còn gặp các ông kễnh ra ngồi ngắm trăng trên đèo Rù Rì.

Tại sao toàn những con vật quen thuộc ? Có người trả lời là lúc đó con người Đông phương biết bắt đầu làm lịch họ lấy ngay những con vật đã được thuần hóa như Trâu, Ngựa, Mèo, Chó, Gà, Heo, Dê hoặc những con vật sống ngay trong nhà như Chuột, Rắn hoặc gần nhà như Cọp để đặt tên cho mười hai con giáp. Cũng có thể, có thể thôi. Chuyện không lấy gì làm chắc lắm.

Trong mười hai con giáp, con cọp có vẻ đáng sợ nhất. Trong hai loài cọp, cọp cái đáng sợ hơn. Điều này đã được 3 tỷ đàn ông con trai trên trái đất xác nhận. Cọp cái làm chúa tể trong… nhà.

Xin được kể một chút về chuyện Cọp tự sa “cạm bẫy tự nhiên” như sau :

Có một con cọp lớn về làng vào ban đêm, ngồi giữa cây cầu bắc qua con suối ngăn cách làng và bìa rừng, gầm gừ rất dữ tợn. Dân làng đóng chặt cửa, đánh trống nổi tù và ầm ỉ… Sáng hôm sau, cọp cũng chẳng bỏ đi như mọi lần. Đến trưa, đến chiều… đến sáng hôm sau cọp vẫn ngồi lù lù một đống giữa cầu. Lâu lâu cọp lại nhón lên như muốn đứng dậy rồi lại ngồi xuống, cất tiếng gầm thật lớn, đưa chân trước quào quào trong không khí, hay quào trên mặt cầu sồn sột. Đến ngày thứ tư, con vật vẫn còn đó, nhưng không còn vẻ dữ tợn nữa. Đến chiều, dân làng đã dám đến gần cầu. Cọp vẫn trong tư thế ngồi, nhưng đầu gục xuống, rãi nhớt nhiễu chảy dài hai bên mép coi rất thảm não, rõ ràng là cọp kiệt sức… Lật xác cọp lên, mọi người ngạc nhiên khi thấy dường như cọp vừa bị… thiến, vết thương còn dính bê bết máu…

Theo người kể lại câu chuyện hy hữu này nhưng lại cả quyết là có thật, giải thích rằng con cọp bị nạn trong câu chuyện là một con cọp già. Cọp già nên “bị đạn” cũng hơi xệ – như người về già. Cầu làm bằng những thân tre lớn, kết dây mây khá chắc chắn và có những khe. Cọp ngồi giống như mèo, đứng hai chân trước, quì hai chân sau, chẳng may “băng đạn” thõng xuống khe cầu. Cọp lại nhè vùng vẫy “gầm thét khúc ca rừng dữ dội… lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng” (thơ Thế Lữ) nên lại đưa “băng đạn” tới chỗ khe hẹp hơn. càng vùng vẫy lại càng gậm một mối căm hờn “băng đạn” kẹt trong khe cầu. Bộ phận bị kẹt lại quá nhạy cảm, cọp càng vùng vẫy càng đau đớn…

Chuyện kể lúc dân làng lật xác cọp lên, hai viên đạn… xệ đựng trong băng đạn còn kẹt dính ở khe cầu.

Thiên Việt