CHẾT ĐI SỐNG LẠI

CUỘC TRẢI NGHIỆM

KỲ LẠ CỦA

MỘT BÁC SĨ

SAU KHI CHẾT

Trải nghiệm ở bên ngoài thân xác (OBE) và trải nghiệm cận tử (NDE) đã được biết đến từ lâu và vẫn bị tranh cãi, đơn giản bởi giới khoa học chủ lưu không tin là có linh hồn. Tuy nhiên, thật thú vị khi nghe một bác sỹ hàng đầu thế giới nói về trải nghiệm OBE và NDE của chính mình.

Giáo sư Bác sỹ George G. Ritchie (25/9/1923 – 29/10/2007) từng là chủ tịch của Học viện Trị liệu đa khoa Richmond, từng là trưởng khoa Tâm thần học của Bệnh viện Towers, người sáng lập và và chủ tịch Liên Đoàn Thanh niên Thế giới (Universal Youth Corps, inc) trong gần 20 năm. Năm 1967, ông làm bác sỹ tư ở Richmond, và vào năm 1983 ông chuyển đến Anniston, Alabama làm trưởng khoa Tâm thần học tại Trung tâm y tế khu vực Đông Bắc Alabama, Hoa Kỳ. Ông trở về Richmond vào năm 1986 để tiếp tục làm bác sỹ tư cho đến khi nghỉ ngơi vào năm 1992.

Vào tháng 12/1943, George Ritchie đã chết trong một bệnh viện quân đội ở tuổi 20 vì bệnh viêm phổi và đã được đưa vào nhà xác. Nhưng kỳ diệu thay, 9 phút sau ông sống trở lại, và kể về những điều đáng kinh ngạc mà ông đã chứng kiến khi trong trạng thái ở bên ngoài thân xác. Ritchie đã viết về Trải nghiệm cận tử (NDE) của ông trong cuốn sách “Trở lại từ ngày mai”, đồng tác giả với Elizabeth Sherrill, xuất bản lần đầu năm 1978. Cuốn sách đã được dịch sang 9 thứ tiếng khác nhau.

Bác sĩ George Ritchie đã kể lại rất chi tiết những gì mà mình đã trải qua trong suốt khoảng thời gian ông chết.

Đó là đầu tháng 12/1943, khi Ritchie được chuyển tới một bệnh viện tại trại Barkeley , Texas , Hoa Kỳ để điều trị bệnh viêm phổi. Ông không biết là mình bệnh nặng tới mức nào. Ông luôn chỉ nghĩ tới việc bình phục cho mau mà lên xe lửa tới Richmond, Virginia để nhập học trường y trong chương trình đào tạo bác sỹ quân y của quân đội. Theo hẹn, vào lúc 4 giờ sáng ngày 20/12, xe quân đội sẽ đến đưa ông ra nhà ga để tới trường.

Trái với mong muốn của ông, bệnh tình của ông không thuyên giảm. Vào đêm 19/12/1943, bệnh của Ritchie trở nặng. Ông bắt đầu sốt và ho liên tục. Ông lấy gối bịt miệng lại để đỡ làm ồn. 3 giờ sáng ngày 20, Ritchie cố gắng đứng dậy và thay quần áo đợi xe đến. Nhưng ông đã không thể làm được, và bất tỉnh sau đó.

“Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trong một căn phòng mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Một ngọn lửa nhỏ cháy trong một ngọn đèn ở bên cạnh. Tôi nằm đó một lúc, cố gắng nhớ lại là mình đang ở đâu. Thình lình tôi ngồi bật dậy. Xe lửa ! Mình trễ chuyến tàu mất !

Giờ đây tôi biết rằng những gì mình sắp mô tả sẽ nghe rất lạ thường… tất cả những gì tôi có thể làm là kể lại những sự kiện đêm đó đúng như chúng đã xảy ra. Tôi nhảy ra khỏi giường và tìm bộ đồng phục của tôi khắp phòng. Không có trên thành giường : tôi dừng lại, nhìn chằm chằm. Một người nào đó đang nằm trên cái giường mà tôi vừa mới rời khỏi.

Tôi bước lại gần gường trong ánh sáng lờ mờ, rồi lùi lại. Anh ta đã chết. Hàm răng khép hờ, làn da màu xám thật kinh khủng. Rồi tôi nhìn thấy chiếc nhẫn. Trên bàn tay trái của anh ta là chiếc nhẫn của hội sinh viên Phi Gamma Delta mà tôi đã đeo trong suốt hai năm qua.

Tôi chạy vào đại sảnh, mong muốn thoát khỏi căn phòng bí ẩn đó. Richmond , đó là điều quan trọng nhất – tới Richmond . Tôi bắt đầu xuống đại sảnh để ra cửa bên ngoài.

“Coi chừng !” Tôi hét lên với một người phục vụ trong bệnh viện mà đang rẽ quay sang chỗ tôi. Anh ta dường như không nghe thấy, và một giây sau anh ta đã đi ngang qua chỗ tôi đứng như thể tôi không có ở đó.

Thật lạ lùng. Tôi tới chỗ cánh cửa, đi xuyên qua và phát hiện ra là mình đang tiến về Richmond rất nhanh trong bóng tối bên ngoài. Đang chạy ư ? Đang bay ư ? Tôi chỉ biết rằng mặt đất tối tăm đang trượt qua trong khi những ý nghĩ khác chiếm lấy tâm trí tôi, những suy nghĩ đáng sợ và khó hiểu. Người phục vụ đã không nhìn thấy mình. Nếu mọi người tại trường y cũng không thể nhìn thấy mình thì sao ?

Tôi thấy một con sông rộng, rồi thấy cây cầu dài bắc qua sông để vào một thành phố. Tôi thấy một tiệm giải khát, quán bia và một quán cà phê. Tại đây tôi đã gặp một vài người và hỏi họ tên đường và tên thành phố nhưng chẳng có ai thấy và đáp lời tôi cả. Tôi nhiều lần đập tay lên vai một người khi hỏi nhưng tay tôi như chạm vào khoảng không. Đó là một người có gương mặt tròn và cằm có sợi râu dài. Sau đó tôi đi đến bên một người thợ điện đang loay hoay quấn dây điện thoại vào một bánh xe lớn.

Vô cùng bối rối, tôi dừng lại bên một buồng điện thoại và đặt tay tôi lên sợi dây điện thoại. Ít ra thì sợi dây nằm đó, nhưng bàn tay tôi không thể chạm vào nó. Tôi nhận thấy một điều rõ ràng: tôi đã mất đi xác thân của mình, cái bàn tay mà có thể cầm được sợi dây kia, cái thân thể mà người ta nhìn thấy.

Tôi cũng bắt đầu hiểu ra rằng cái xác trên chiếc giường đó chính là của tôi, không thể hiểu sao lại tách ra khỏi tôi, và việc mà tôi phải làm là phải trở về nhập lại vào nó càng nhanh càng tốt.

Việc tìm đường quay lại khu căn cứ và bệnh viện không có gì khó khăn. Thực sự tôi hầu như trở lại đó ngay tức khắc khi tôi nghĩ đến nó. Nhưng căn phòng nhỏ mà tôi đã rời đi thì ở đâu ? Thế là tôi bắt đầu một trong những cuộc tìm kiếm kỳ lạ nhất đời: cuộc tìm kiếm chính mình. Khi tôi chạy từ khu này sang khu khác, đi qua hết phòng này sang phòng khác lúc các bệnh binh đang ngủ – những người lính đều trạc tuổi tôi, tôi nhận ra rằng chúng ta lạ lẫm với chính khuôn mặt của mình như thế nào. Mấy lần tôi dừng lại bên một người mà tôi cứ ngỡ là mình. Nhưng chiếc nhẫn Hội sinh viên không có, và tôi lại vội tìm.

Cuối cùng tôi đi vào một gian phòng nhỏ với ánh sáng lờ mờ. Một tấm khăn trải đã được kéo phủ lên xác người trên giường, nhưng đôi cánh tay của người đó nằm dọc ở bên ngoài. Chiếc nhẫn tôi tìm nằm trên bàn tay trái của thân xác ấy.

Tôi đã cố kéo tấm vải ra nhưng không thể nắm được nó. Và lúc đó là lần đầu tiên tôi nghĩ điều mà đã xảy ra với mình, chính là cái mà nhân loại vẫn gọi là “cái chết”.

Trong thời khắc tuyệt vọng nhất ấy, căn phòng bỗng sáng rực rỡ, một thứ ánh sáng lạ lùng tôi chưa từng thấy bao giờ, và tôi như bị lôi cuốn theo nguồn ánh sáng ấy. Tôi đã trông thấy những quang cảnh mà từ khi sinh ra cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ được thấy, những cảnh trí mà tôi nghĩ rằng chỉ có ở thế giới bên kia, và tôi không nhìn được rõ các sinh linh ở đó. Có vùng tối tăm u ám, có vùng lại chan hòa ánh sáng vô cùng tươi đẹp với các sinh linh trông như những thiên thần.

Sau đó đột ngột vầng sáng giảm dần, tôi muốn quay về. Trong phút chốc tôi lại thấy những căn phòng, những thân xác bất động trên giường. Tôi tiến tới chiếc giường của thân xác mình. Tôi như bị cuốn hút vào cái thân xác đó. Rồi, từ từ cử động các ngón tay, cuối cùng tôi mở mắt ra. Một lúc sau, một bác sĩ và cô y tá đã ở trước mắt tôi, nét mặt rạng rỡ. Vậy là tôi đã sống lại, đã thật sự hồi sinh…”

Thời đó, thuốc penicilline chưa được phát minh nên việc chữa trị bệnh sưng phổi vô cùng khó khăn, 90 phần trăm người bệnh khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Vào buổi sáng ngày 20/12/1943 các bác sĩ ở bệnh viện đã xác nhận rằng George Ritchie đã chết nên người ta chuyển xác ông đến nhà quàn. Tại đây một số thủ tục giấy tờ, giấy khai tử và thủ tục chuẩn bị đưa người chết vào quan tài đã được tiến hành, và người ta chuẩn bị thông báo đi các nơi rằng George Ritchie đã chết. Không ai có thể tưởng tượng được, Ritchie sống lại và mang theo câu chuyện diệu kỳ mà ông trải nghiệm trong giây phút trái tim đã ngừng đập, khi mà mọi dấu hiệu của sự sống không còn.

Những điều George Ritchie kể lại sau khi sống dậy đã làm các bác sĩ trong bệnh viện kinh ngạc. Điều kỳ lạ đáng lưu ý là những gì Ritchie đã kể và ghi chép lại trong tập nhật ký trong 9 phút chết đó về sau đều được chứng minh là có thực.

Một năm sau, Ritchie trở về trại Barkeley và được gởi sang Âu Châu để phục vụ tại một bệnh viện quân y. Trên đường xe đã chở Ritchie đi ngang qua thành phố mà một năm trước trong khi bị coi là đã chết, Ritchie đã tới. Tiệm bán bia, tiệm cà phê, cây cầu dài bắc qua sông, những con đường, những bảng hiệu, cả cái buồng điện thoại năm xưa… tất cả đều có thật trong thực tế. Đó là thành phố Vicksburg thuộc tiểu bang Mississipi, nơi mà chưa bao giờ George Ritchie đặt chân đến.

George Ritchie sau này trở thành Viện trưởng Viện tâm thần học ở Charlotsville, bang Virginia Hoa Kỳ, và suốt đời ông không thể nào quên rằng mình đã có lần chết đi sống lại, cũng như không thể nào quên các cảnh giới lạ lùng ở bên kia cửa tử.

Giáo sư Bác sỹ George G. Ritchie mất vào ngày 29/10/2007 tại nhà riêng ở Irvington , Virginia , Hoa Kỳ, hưởng thọ 84 tuổi.

“Cái chết chẳng qua là một ô cửa, là một cái gì đó mà bạn bước qua” – George Ritchie nói.

Thuy Nguyen

CHIẾC HỘP DIÊM KỲ LẠ

Chiều ngày 19/6/2011, tôi đón thầy Vũ Quốc Thúc đến nhà luật sư Lê Trọng Quát ở Saint-Christophe (Cergy). Tuy đã là mùa hè, khí hậu mát dịu như chớm thu. Trời không nắng cũng không mưa, chỉ có gió mát.

Thầy Thúc sinh cùng năm với chân phước Gioan-Phaolô II, năm nay 91 tuổi. Giọng thầy sang sảng không khác gì những ngày giảng dạy tại Đại học Luật khoa Saigon và Chánh trị Kinh doanh Đà Lạt. Nụ cười vẫn hiền hòa, phúc hậu. Trên vầng trán cao không một nếp nhăn tuổi tác. Nhưng tâm hồn thầy nặng chĩu mối u hoài vận nước.

Bên tách trà thơm, có luật sư Lê Trọng Quát và phu nhân là giáo sư Trần Thị Minh Châu từng giảng dạy tại trường trung học Đồng Khánh Huế vào cuối thập niên 50 chứng kiến, thầy Thúc chậm rãi thuật lại câu chuyện về chiêc hộp diêm kỳ lạ.

Thầy đưa cho mọi người xem họa đồ phòng thầy : chỗ này là bàn giấy; chỗ kia là tủ sách; chiếc giường kê sát vách, bên cạnh cửa kính hình bầu dục trông xuống vườn. ‘‘Anh Thông biết rõ cách căn phòng này’’, thầy nói thêm. Thầy bắt đầu kể chuyện :

– ‘‘Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 26/4/2011, vào khoảng 2 giờ sáng. Tôi đang ngủ say chợt thấy ngọn bạch lạp cháy bập bùng. Tôi tưởng như mình đã chết, cháu con thắp ngọn nến từ biệt. Tôi có cảm giác rờn rợn, bừng tình dậy thấy trên bàn giấy có lửa cháy bùng. Tôi lấy tay chụp tắt lửa rồi ngủ tiếp. Lạ lùng thay vì buổi sáng thức dậy, tôi thấy các que diêm trong hộp cháy đen nửa đầu không có diêm sinh. Trên mặt bàn còn vết cháy đen. Cả căn nhà chỉ có tôi và nhà tôi. Nhà tôi ngủ phòng riêng, không thể tự đi lại giữa đêm khuya. Vậy thì ai đốt cháy hộp diêm ?’’

Giáo sư Thúc đưa cho mọi người xem hộp diêm kỳ lạ. Trời đêm Paris cuối tháng tư còn nhiều sương lạnh. Cửa kính bầu dục đóng kín mít. Nếu có hỏa hoạn, thầy cô không bị chết cháy thì cũng chết ngạt (asphyxie résultant d’un incendie).

Thầy không phải là tín đồ công giáo nhưng đã được Đức Mẹ Fatima ba lần cứu giúp : một lần ở Fatima Bình Triệu, bức linh tượng tỏa hào quang khi thầy thành tâm nguyện xin và đã được nhậm lời. Một lần ở Fatima (Bồ Đào Nha), khi thầy xin có cháu nỗi dõi tông đường. Và lần này là cải tử hoàn sinh.

Sau phép lạ hộp diêm, phu nhân thầy bị bệnh hiểm nghèo được bình phục, chị tiến sĩ Vũ Mộng Lan là con gái thầy cũng được cứu chữa. Như vậy là ba phép lạ mắt thấy tai nghe, xẩy ra cùng một nơi một lúc.

Năm 1845, nhà văn Đan Mạch Andersen kể câu chuyện cô bé bán diêm giữa đêm mưa tuyết vào cuối năm, đốt lên từng que diêm để sưởi ấm mong manh. Sáng hôm sau, cô bé bán diêm nằm chết giữa màn trời, chiếu tuyết trắng, trên môi hồng còn vương vấn nụ cười. Câu chuyện hộp diêm kỳ lạ của giáo sư Vũ Quốc Thúc khác hẳn tích xưa : hai câu chuyện một già một trẻ. Nhưng que diêm cháy năm xưa sau cùng tang trắng. Còn que diêm cháy tháng tư được dập tắt là để cứu mạng.

Trong cuộc sống vẫn còn những điều huyền diệu. Như câu chuyện hộp diêm kỳ lạ của giáo sư Vũ Quốc Thúc.

Lê Đình Thông (Paris, tối ngày 19 tháng 6 năm 2011)

ĐỌC THÊM :

ĐỨC MẸ FATIMA

& 3 ĐỨA TRẺ

Mỗi nơi Mẹ Maria hiện ra đều mang một dấu ấn và để lại ấn tượng kỳ diệu nơi mỗi người suốt thể kỷ này tới thế kỷ kia. Ngôn ngữ loài người không gì có thể diễn tả hết về người Mẹ. Danh xưng Mẹ vẫn là từ ngữ hợp với tâm tình của con người nhất.

Nói đến Mẹ, tự nhiên con người ai cũng cảm thấy như có một cái gì đó dâng đầy con tim, tràn ngập tâm hồn con người. Mới đây 13/5, mừng kính Đức Mẹ Fatima, mãi muôn đời nhân loại sẽ không bao giờ quên sứ điệp của Mẹ đã nói với Lucia, Jacinta và Phanxicô trên đồi Cova da Iria ngày 13/10/1917.

Lucia, Jacinta Và Phanxicô

Lucia, Jacinta và Phanxicô là ba bé chăn chiên thuộc gia đình nghèo làng quê Fatima, nước Bồ Đào Nha. Các trẻ em này thuộc giáo phận Leiria. Hàng ngày các em được gia đình, cha mẹ trao phó việc dẫn đoàn súc vật : chiên, cừu đi ăn cỏ ở các vùng đồi núi quanh đó. Các em thường có thói quen sau khi để bầy súc vật ăn cỏ, liền qùi gối trên bãi đất trống đọc kinh, lần chuỗi mân côi chung với nhau.

Vào mùa hè năm 1917 lúc đó thế chiến thứ nhất đang tiếp diễn, ngày 13/5/1917, khi các em đang sốt sắng đọc kinh, lần chuỗi mân côi lúc gần giữa trưa, một luồng chớp chói lòa làm các em bỡ ngỡ, kéo hoàn toàn sự chú ý của các em về những ngọn cây trên đồi Cova da Iria, một Vị sáng láng hiện ra, Thiếu Nữ ấy xin các em cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại, chiến tranh sớm kết thúc. Thiếu Nữ dặn các em hãy trở lại nơi này vào ngày 13 mỗi tháng.

Theo lời Thiếu Nữ căn dặn, các em tới đó và được nhìn thấy Thiếu Nữ hai lần sau đó vào ngày 13 tháng 6 và ngày 13 tháng 7. Ngày 13 tháng 8, nhà cầm quyền địa phương ngăn cản các em không cho tới Cova da Iria, nhưng Thiếu Nữ đã hiện ra với các em vào ngày 19. Ngày 13 tháng 9, Thiếu Nữ xin các em lần hạt Mân Côi để cầu cho chiến tranh sớm kết liễu.

Ngày 13 tháng 10, Thiếu Nữ hiện ra và xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Mẹ mời gọi các em cầu nguyện và làm việc đền tạ. Lần này, một hiện tượng rất lạ đã xẩy ra làm rúng động mọi người : Chính quyền, dân chúng và các nhà báo, hiện tượng này gọi là Mặt Trời múa hay thái dương như rơi khỏi bầu trời và lao xuống đất.

Ngày 13/10/1930, sau nhiều năm điều tra, xác minh và cầu nguyện, tìm hiểu, Đức Giám Mục Leira đã công nhận chính thức việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại đồi Cova da Iria, Fatima, Bồ Đào Nha và cho phép tổ chức các việc đạo đức để cung kính Đức Maria Mân Côi nơi Mẹ đã hiện ra vào năm 1917.

Sứ Điệp Fatima (Bồ Đào Nha)

Chính phủ Bồ Đào Nha lúc đó coi đây là huyền thoại tôn giáo, một sự tuyên truyền dị đoạn, cần phải đánh đổ, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật sẽ giải phóng con người. Đức Mẹ đã hiện ra đúng như lời Mẹ loan báo trước và sự kiện thái dương như muốn rơi xuống đất, làm khiếp kinh hồn vía mọi người, đã minh chứng quyền năng của Thiên Chúa. Qua biến cố lạ lùng như thế, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi kêu mời nhân loại hãy ăn năn sám hối.

Sứ điệp của Fatima là hãy cầu nguyện cho các tội nhân, lần chuỗi Mân Côi và sám hối. Ngày 13/10/1917, Đức Mẹ dậy : “Mẹ đến kêu nài các tín hữu hãy lần hạt Mân Côi. Mẹ mong ước nơi đây có một nguyện đường tôn kính Mẹ. Nếu người ta cải thiện đời sống thì chiến tranh sớm kết thúc”. Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ để qua các em, Mẹ nhắn nhủ nhân loại siêng năng cầu nguyện, năng lần chuỗi Mân Côi và thống hối ăn năn.

Mẹ đã trao cho ba trẻ nhiều bí mật và căn dặn các em sống thánh để cầu nguyện cho những kẻ có tội và cứu vãn thế giới. Trải qua nhiều năm, Fatima đã thu hút biết bao khách hành hương đến tôn vinh Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Các Đức Giáo Hoàng Piô XII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã đích thân tới Fatima để tôn vinh Mẹ, cử hành thánh lễ nơi Đức Mẹ hiện ra và dâng loài người cho Đức Trinh Nữ Maria.

Ba trẻ với sứ mạng Mẹ trao phó

Được chiêm ngưỡng Đức Mẹ hiện ra, Lucia, Jacinta, Phanxicô đã sống theo ý Chúa, tuân lời Đức Mẹ. Chúa có con đường của Ngài và Ngài dọn chỗ cho con người tùy lòng xót thương của Ngài. Phanxicô được nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng không được nghe lời Đức Mẹ nói, đã qua đời ngày 04/4/1919, Giacinta qua đời ngày 20/2/1920. Chúa còn để Lucia sống trong tu viện kín ở Tuy cho đến tuổi già…

Quế Phượng post (theo LM. Giuse Nguyễn Hưng Lợi)