TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN (2)

SƠ LƯỢC VỀ

TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN

NGƯỜI VIỆT

– Trần Văn Giang (Bài 2)

Lời mở đầu : Bàn luận về tín ngưỡng, tôn giáo luôn luôn là một vấn đề rất tế nhị (và nguy hiểm !) Cứ nhìn vào lịch sử thế giới qua các cuộc thánh chiến đẫm máu và lịch sử nước nhà qua việc cấm đạo (kết  quả với trên 130 ngàn giáo dân bị giết) thì thấy ngay tầm mức quan trọng của vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận một tín ngưỡng.

Tôi mạo muội (và liều lĩnh) viết bài biên khảo nhỏ này phần vì sự khuyến khích của một số thân hữu, phần vì chính cá nhân tôi đã ao ước muốn muốn hiểu rõ thêm về các tôn giáo mà tôi và gia đình tôi không thờ phụng, tức là chỉ nghe và nhìn thấy thôi.

Quý vị sẽ đọc thấy rất nhiều sử kiện, truyền thuyết, tôn chỉ… của các tín ngưỡng mà tôi thật ra chỉ chép lại từ các sử liệu và giáo liệu khác nhau đã được chính thức (hoặc không chính thức) công bố, phổ biến từ trước.  Ngay các tài liệu có sẵn này nhiều khi cũng không ăn khớp với nhau, nếu không muốn nói là tương phản với nhau. Phần tôi muốn nói “mạo muội và liều lĩnh” là các nhận định rất chủ quan, phiến diện, thô thiển của tôi đối với các tôn giáo lớn ở Việt Nam mà quý vị sẽ  thấy ở các đoạn mở đẩu bẳng các chữ “Tóm lại, Lời kết…” 

Tôi xin phép được mở rộng tất cả các cánh cửa để đón nhận những lời chỉ trích, sửa sai, bổ túc của các vị cao kiến.

“Tóm lại,” đúng hay sai còn hoàn toàn tùy vào sự thẩm định (và niềm tin) của mỗi người. Dù ở tuổi nào đi nữa, chúng ta không bao giờ hết chuyện mới để học hỏi. Thân mến

– Đạo Thờ Cúng Tổ tiên (Ông bà)

Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo riêng của mình, còn thờ phụng tổ tiên, ông bà.

Tương tự như đạo Thờ Thần, không có tài liệu nào ghi chép rõ ràng về thời điểm phát xuất “đạo” thờ cúng Tổ tiên Ông bà ở Việt Nam. Có lẽ đạo thờ cúng Tổ tiên Ông bà bắt đầu phát triển cùng thời với đạo Thờ Thần ở Việt Nam vì tôn chỉ, nghi thức của hai “đạo” có rất nhiều điểm tương đồng.

Cây có gốc, nước có nguồn.  Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình.  Người con hiếu thảo phải biết ơn sinh thành.  Đã có hiếu với cha mẹ thì phải có hiếu với ông bà – tức là nhớ đến nguồn gốc của mình.  Lúc ông bà cha mẹ còn sống thì chăm lo phụng dưỡng, Khi ông bà cha mẹ chết rồi thì phải lo việc thờ phụng để tỏ lòng thành kính biết ơn.

Thật ra, ở Việt Nam, gọi là “đạo” thờ Ông Bà Tổ tiên; nhưng không đúng nghĩa là một “đạo” (cũng tương tự như đạo thờ Thần); bởi vì không có Giáo hội, giáo chủ, giáo sĩ, giáo điều…  Đây chỉ là chuyện nội bộ gia đình, con cháu thôi.

Qua việc thờ phụng tổ tiên, người Việt Nam tin là khi chết thể xác tiêu tán nhưng linh hồn thì bất diệt; và người sống và người chết luôn luôn có một sự liên lạc mật thiết. Sự thờ phụng là một cách để giữ gìn mối liên lạc này.

Ông Bà thường được chôn cất gần nhà. Vong hồn Ông Bà được coi như vẫn còn đang sống quanh quẩn nơi bàn thờ.

Phong tục của Việt Nam cho là “Dương sao thì Âm vậy.” Người sống cần gì, thì người chết sống ở “cõi Âm” cũng cần như vậy !  Nói cách khác người chết cũng cần ăn uống, tiêu pha, nhà cửa… như người sống (?). Vì tin như vậy cho nên việc thờ phụng cúng lễ là chuyện cần thiết. Tục người Việt cũng tin rằng vong hồn người chết thường ngự trên bàn thờ để gần gũi với con cháu. Nguời ta sợ tội bất hiếu với vong hồn cha mẹ phải tủi hổ, cho nên người sống phải suy tính kỹ lưỡng, xem như lúc cha mẹ còn sống thì có chấp nhận dự tinh, công việc làm của mình hay không ? Do đó con cái phải ăn ở, thờ phụng cho đứng đắn kẻo mang chữ bất hiếu. Như vậy vong hồn cha mẹ có ảnh hưởng tốt đến hành động và tư cách của con cái.

Những biến cố quan trọng của gia đình từ việc hiếu đến hỷ, gia trưởng phải có lễ cáo gia tiên để xin ông bà tổ tiên chứng giám, chia sẻ, phù hộ.

Tin vui thì có :

 – Vợ đẻ – Con đầy tháng – Con cái bắt đầu đi học, đi thi, đỗ dạt – Gả chồng, dựung vợ cho con – Công danh thăng tiến (lên chức, đắc cử, lãnh thưởng…) – Khao vọng – Xây cất, mua nhà mới hay sửa chữa tu bổ nhà cũ – Cầu độ

Tin buồn:

– Trong nhà có người qua đời  – Có người đau ốm  – Phải đi xa – Gặp chuyện không may (buôn bán thua lỗ, bị kiến cáo)

Bàn thờ tổ tiên

Trong nhà, bàn thờ tổ tiên kê ngay ở chính giữa nhà. Nhà giầu thì đóng bàn thờ sơn son thết vàng. Ở vùng quê xa xôi, các gia đình nghèo không thể lập một bàn thờ qui củ để thờ đúng theo cổ tục thì họ chỉ đóng một cái trang trên tường hay thu xếp một cái tủ nhỏ làm bàn thờ để tiện việc cúng lễ.

Bàn thờ tổ tiên cũng được trang trí tùy theo mỗi gia đình. Đại cương thì có bình hương, bài vị, đèn nến, mâm bồng (để bày hoa quả bánh trái)… nhà giầu sung túc sẽ bày thêm đỉnh đồng (bộ tam sự, ngũ sự, thất sự.. – số lẻ chỉ về Âm), bình sứ, bảo lộ (tám thứ binh khí của quân sĩ thời xưa), hoành phi, y môn (che ngăn cách bàn thờ với khoảng không gian bên ngòai), câu đối…

Ngày giỗ

Là ngày kỷ niệm người chết đã qua đời – còn gọi là ngày kỵ nhật. Con cháu dù bận rộn cũng phải nhớ ngày này để cúng giỗ.  Nhiều tôn giáo chỉ làm lễ kỷ niệm ngày chết, làm giỗ nhưng không “cúng” theo cổ tục thờ cúng tổ tiên.

Trong ngày giỗ, tùy hoàn cảnh, gia đình làm cỗ bàn to hay nhỏ mời thân bằng quyên thuộc tham dự.  Nhiều khi cũng tùy sự liên hệ giữa người sống và người chết mà sẽ làm giỗ to hay nhỏ: cha mẹ, ông bà thi giỗ to; chú bác, cao tằng khảo, tỷ thì chỉ cúng đơn sơ.

Trong ngày giỗ còn phân biệt giỗ đầu (một năm sau khi người chết qua đời, hay Tiêu tường).  Giỗ đầu, con cháu nhiều khi phải mặc lại đồ tang như chính ngày đưa đám. Nhà khá giả rước cả phường bát âm, phường kèn, mời chẳng những bà con mà lại cả khách xá nữa; Hoâc giỗ sau (giỗ cuối, hết tang, còn gọi lả giỗ hết hay Đại tường)…

Hóa vàng

Hóa vàng có nghĩa là “nấu vàng,” tức là đem đốt nhừng đồ vàng mã, vàng giấy, tiền giấy.  Sau khi hóa vàng thì con cháu đổ một chén rượu cúng vào đám lửa, cốt để biến vàng mã trên dương gian thành đồ dùng thật dưới aâm phủ!  Sau khi hóa vàng thì xem nhu giỗ đã xong.

Với văn minh tiến bộ ngày nay người ta bỏ bớt việc đốt vàng mã tức là: áo quần, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc bằng giấy; (có khi đốt cả hình người nữa ?! Vì người Tầu cho rằng đốt hình người để dưới âm phủ Ông bà có người hầu hạ ??)

Ngày giỗ Họ (giỗ Tổ của Họ), Nhà Thờ Tổ

Phần giỗ ở trên chỉ nói đến giỗ của từng cá nhân gia đình, Nhiều gia đình hợp thành Ngành, nhiều nNành hợp thành một Họ. Mỗi Họ có chung một Tổ. Ngày giỗ Tổ cũng gọi là ngày giỗ Họ. Mỗi Họ có khi còn xây riêng một nhà thờ Tổ để con cháu giỗ Tổ tại đây.

Ngày giỗ Họ là ngày duy nhất trong năm để cho cả họ họp mặt, nhận ra nhau. Trong dịp này những người cao niên sẽ kể các công trạng, sự nghiệp của ông tổ cho con cháu nghe.

Người trưởng tộc lo việc tổ chức giỗ Tổ. Các gia đình các ngành đều phải đóng góp công của. Người trưởng tộc cũng được hưởng hương hỏa của tổ tiên đế lại.

Hương Hỏa

Đất hương hỏa ông bà để lại là những phần đất dành để lấy hoa lợi lo việc cúng giỗ. Con cháu không được bán.  Rủi có bị tịch biên, chủ nợ cũng không được lấy phần này. Thường ruộng hương hỏa còn gọi là kỵ điền – là ruộng để giỗ.  Đất này do tự người có giỗ lấy tài sản của mình mà đặt, hoặc có di chúc của tổ tiên dành cho con cháu…

Do ý thức hệ luân lý gia đình, phong tục Việt Nam đặt vấn đề đất hương hỏa rất quan trọng. Ngay cả pháp luật của các triều đại, các chế độ đều nhằm bảo vệ đất hương hỏa.

Tóm lại, nước Việt đã trải qua biết bao nhiêu cuộc hưng vong phế chuyển nhưng việc Thờ Cúng Ông Bà vẫn còn tồn tại.  Người Việt đã theo nhiều tôn giáo ngoại nhập khác nhau nhưng cũng không bao giờ vì tôn giáo riêng của mình mà bỏ quên tổ tiên.

Tất cả các chuyện xẩy ra cho gia đình trong đời sống hàng ngày Ông Bà Tổ tiên đều được nhớ đến, và khấn vái xin phù hộ.

– Đạo Lão

Lão giáo một trong Tam giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam qua các quan cai trị người Trung hoa trong thời kỳ Bắc thuộc, bị đô hộ.

Người sáng lập Lão giáo là Lão tử. Lão tử chỉ là danh hiệu. Tục truyền khi Lão tử khi mới sinh đầu đã bạc cho nên có hiệu là Lão tử. Theo Phan Kế Bính, Lão tử, còn gọi là Thái thượng Lão quân, tên thật là Lý Nhĩ tự là Bá Dương hiệu là Lão Đam người nước Sở, sinh năm 570 Trước Công Nguyên – TrCN – (năm thứ 3 đời vua Định Vương nhà Đông Chu – hơn Khổng Tử chừng 20 tuổi). Cũng có sách lại ghi là Lão tử sinh vào năm thứ 10 đời vua U vương nhà Tây Chu (thế kỷ thứ 8 trước công nguyên). Năm sinh và năm mất của Lão tử vẫn còn được tranh cãi.

Lão tử soạn ra “Đạo Đức Kinh” gồm năm ngàn câu, chú ý theo sự tu thân tích đức theo tự nhiên thanh tĩnh để được siêu thoát.  Đạo là nguyên lý vô hình vố sắc, đã sinh ra âm dương trời đất muôn vật muôn loài theo luật tuần hoàn mà biến cải tự nhiên; Nghĩa là muôn việc cứ để cho biến hóa tự nhiên (không cần phải làm gì thêm).  Con người muốn được tiêu diêu thanh thản thì không cần phải lo lắng, nghĩ ngợi.  Có nhiều người nói là Lão tử là một triết gia hơn là một giáo chủ; và tôn chỉ của Lão tử chỉ là một học thuyết, không phải là giáo điều.

Lão tử lấy sự “thanh tĩnh, tự nhiên” làm tôn chỉ.  Đây một ý tưởng rất cao; người thường khó mà hiểu thấu đáo được:  Về tình người và tình đời, cứ lấy cái “thanh tịnh vô vi” đối với cuộc đời.  Không để một chút tơ vương gì của cuộc đời xâm phạm vào cái thú ung dung, nhàn nhã, khoan thai của mình.  Việc đời xẩy đến đâu đối phó đến đó, không cần phải hao tổn thể lực và tinh thần.  Cứ để tự nhiên thì mọi chuyện sẽ yên ổn, đâu vào đó, thiên hạ sẽ “vô vi an trị” (vô vi mà an thiên hạ).  Sự tiêu cực này bị Nho giáo bác bỏ.  Những người phóng khoáng, ưa thanh tĩnh, biết nhẫn nhục đều hợp với đạo Lão.

Lão giáo bành trướng mạnh ở Việt Nam từ thời Đinh Tiên Hoàng (năm 968-979).  Đến đời Lý Anh Tôn (1138-1175) thì Lão giáo được dùng trong Tam giáo làm đề tài thi cử.  Cái tôn chỉ cao xa khó hiểu của Lão từ về sau này bị các lưu phái suy diễn một cách vô tình hay cố ý, biến thành thuật số, cách tu luyện đạo phù thủy. với những điều dị đoan.  Hạng thượng lưu đạo Lão chỉ thích an nhàn; hạng bình dân hạ lưu thích truyện thần tiên huyền ảo, bày những chuyện cấm kỵ, may rủi…  Quan niệm yếm thế “Thiên địa bát nhân,” “Thanh tĩnh vô vi” chỉ hợp với một xã hội lý tưởng, nhỏ thời bấy giờ; không còn hợp với xã hội lớn, chính trị phứ tạp tân tiến ngày nay (chú trọng vào phát triển kinh tế, sản xuất cao; kỹ thuật khoa học kỳ xảo; quân đội mạnh; vũ khí tinh xảo…)

Tóm lại, không có gì ngạc nhiên là ngày nay ảnh hưởng của Lão giáo đã giảm bớt rất nhiều.  Chính đạo phái môn đồ chỉ còn lác đác một số phù thủy, đạo sĩ theo các thể thức bùa phép, ấn quyết, trừ ma trừ quỷ… làm nghề sinh sống trong tầng lớp hạ lưu xã hội chứ kỳ thực chẳng hiểu biết tôn chỉ đạo giáo là gì!  Nước ta thực ra không rõ có rệt có một môn phái đạo Lão hay không?  Một số người dân Việt vẫn còn tin vào việc cúng bái biến thể của Lão giáo với các nghi thức vay mượn của đạo thờ Thần (như đã xem ở mục Thờ Thần) và đạo thờ cúng Tổ tiên của các thầy cúng, pháp sư, phù thủy, đồng cô bóng cậu, bùa ngải…  những cái tín mê tín dị đoan tai hại tiêm nhiễm trong dân gian đã lâu di truyền lại bởi đám đạo Lão hạ lưu không hiểu cái ý nghĩa cao kỳ tiêu diêu của đạo Lão,

Chúng ta không nên vì hạng thầy pháp, phù thủy luyện âm binh, bùa, ếm, tà ma, lên đồng, gọi hồn, xin thẻ, xin quẻ… đã làm hư hại dân trí mà khinh rẻ bôi bác đạo Lão.

– Đạo Khổng (Nho giáo)

Nho giáo, còn gọi là Khổng giáo, là một trong Tam giáo được dân Viêt du nhập và sùng tín từ thời Bắc thuộc; nghĩa là đã có trên 2 ngàn năm. Người ta gọi Khổng giáo, tức là đạo của đức Khổng tử. Những người thực hành theo tín điều của Nho giáo được gọi là nhà Nho.

Thực ra, Khổng tử không phải là người sáng lập ra đạo này (Nho giáo đã có từ thời Phục hi – gần 2900 năm TrCN). Khổng tử chỉ là người biểu dương và phát huy đạo này.

Khổng tử tên thật là Không Khâu, tự là Trọng Ni người nước Lỗ, sinh năm 551 TrCN, vào thời vua Linh Vương nhà Chu và Tương Công nước Lỗ. Mất năm 479 TrCN, thọ 73 tuổi. Từ nhỏ Không tử đã thông minh, học xa, kiến thức rộng, hiểu thấu lẽ huyền hoặc của tạo hóa. Năm 20 tuổi đã bắt đầu giữ một số chức quan nhỏ. Nhưng đường quan lộ của Không tử không thông đạt.  Năm 22 tuổi mở trường dạy học.  Mãi đến năm 51 tuổi vua Lỗ mới dùng làm Tư khấu coi việc Hình và một năm sau được vua Lỗ phong làm Nhiếp chính sự.  Nhưng Khổng tử thấy vua ham mê tửu sắc, nữ nhạc, trễ nãi việc triều đình cho nên xin từ chức, đem học trò đi chu du các nước chư hầu với ý nguyên đem cái sở học của mình để cứu đời.  Tuy vậy Khổng tử cũng không đước các vua chư hầu tin dùng.

Sau đó Khổng tử trở về nước Lỗ vĩnh viển và mở trường dạy học. Khổng tử đã sửa sang lại Kinh Thi, Kinh Thu, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc và Kinh Xuân thu (gọi là Lục kinh).  Kinh Nhạc về sau bị thất lạc, thành ra chỉ còn lại Ngũ kinh :

Kinh Thi : là sưu tập các thơ dân gian có trước thời Khổng tử.

Kinh Thư : ghi lại các truyền thuyết của các đời vua sống trước thời Khổng tử.

Kinh Lễ : ghi chép lại các lễ nghi thời trước.

Kinh Dịch : nói về các tư tưởng triết học Trung hoa cổ dựa trên khái niệm âm dương, bát quái…

Kinh Xuân Thu : ghi lại các biến cố xẩy ra ở nước Lỗ, quê nhà của Khổng tử.

Khổng tử dạy 8 điều được xem như tôn chỉ của Nho giáo là :

HIẾU để thờ kính cha mẹ

ĐỂ để hòa thuoận với anh em

TRUNG để hết lòng vơi vua và nước

THỨ để ở với người cho hợp lẽ

Tu để tự sửa mình

TỀ để quản trị gia đình

TRỊ để lấy đạo trị nước

BÌNH để an yên thiên hạ

Ngoài 8 điều này, Khổng tử còn dạy “Lục nghệ” là :

LỄ, phép lgiữ lễ nghi (phéo giao thiệp)

NHẠC, phép âm nhạc (giải trí)

XẠ, phép bắn cung (cũng là thể thao)

NGỰ, phép cưỡi ngựa (cũng là thể thao)

THƯ, phép viết chữ (văn nghệ)

SỐ, phép tính (toán pháp).

Khổng tử có trên 3000 học trò. Trong đó bậc cao hiền chỉ có 72 người (như Nhan hồi, Tăng sâm…).

Khổng tử mất năm 73 tuồi (năm 479 TrCN, đời Kinh Vương nhà Đông Chu).

Sau khi Khổng từ mất, các đệ tử có làm các công việc sau đây :

– Tăng tử chép các lời của Không tử thành cuốn Đại học dạy cách sống để làm người quân tử.

– Các học trò ghi chép lời dạy của Khổng từ thành cuốn Luận ngữ.

– Tử tư (cháu nội của Khổng tử) soạn ra sách Trung dung dạy cách sống dung hòa.

– và các học trò đời sau của Khổng giáo cũng chép lại các mẩu đối thoại giữa Mạnh tử và các vua trong thời kỳ Mạnh tử sống (100 năm sau thời Khổng tử – Mạnh tử là học trò của Tử tư) thành sách Mạnh Tử.

Quan điểm đạo đức chính của Khổng tử chú trọng đến việc giáo dục con người. Nhờ giáo dục mà con người cải đổi tư cách và nhà giáo dục phải đứng trên mọi giai cấp, phục vụ cách vô vị lợi cho lý tưởng con người.

Căn bản Tam cương : Quân thần, Phụ tử, Phu phụ.

Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đó là 5 đức mà con người thường phải có trong khi giao dịch với nhau.

Muốn thành nhân con người phải: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ.

Đường lối xử thế người hành đạo cần theo đúng: Chính danh, Thuận ngôn, Hành thiện.

Phụ nữ phải: Tam tòng (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con); và Tứ đức (Công: biết làm việc, Dung: mặt luôn tươi tỉnh, Ngôn: lời luôn chừng mực khôn ngoan, Hạnh: tư cách luôn đáng trọng).

Những sách vở và tiêu chuẩn đạo đức này được truyền bá rộng rãi để dạy thiên hạ cho nên được gọi chung là Nho giáo.

Khổng giáo vào Việt Nam cùng lúc với sự đô hộ của Tầu, đặc biệt bởi Thái thú Tích Quang và Sĩ Nhiếp (187-226). Khổng giáo bắt đầu thịnh từ thời tiền Lê (Lê Đại Hành, năm 980-1005).  Từ đời Lê, Khổng giáo đã trở thành quốc giáo.

Từ lúc “Nam Bắc phân tranh,” Bắc do vua Lê (mạt Lê), Chúa Trịnh, Nam do nhà Nguyễn cai trị. Nho học đã dần dần đến bước suy đồi. Các cuộc thi cử xưa kia được các vua chú trọng nhưng đến đầu thế kỷ 20 thì bị bãi bỏ hẳn (1915 ở miền Bắc và 1918 ở miền Trung).

(Còn tiếp)