Phong tục cưới hỏi

TỤC CƯỚI HỎI

XƯA VÀ NAY

– Thiên Việt

Cuối năm và đầu năm là mùa cưới hỏi của các gia đình người Việt  chúng ta. Đồng thời nhiều gia đình có con cái gả cưới đã vào thế hệ thứ ba (tức sau trào lưu phong kiến), rất ít người đã hiểu hết các phong tục cưới hỏi xưa và nay. Chúng tôi xin viết bài này đầu năm mở đầu cho một năm mới Canh Dần đã đến, nhằm giúp thêm phần để các bạn tham khảo.

Theo phong tục thì dù là trai mười sáu hay gái mười ba, hay cả hai đều là những thanh niên thanh nữ khoẻ mạnh, đến tuổi lấy vợ gả chồng, nhiều gia đình nền nếp vẫn theo các những tục lệ :

A/- MAI MỐI VÀ ĐÍNH HÔN.

Khi đôi trai gái đến độ tuổi cưới vợ lấy chồng, nhất là nhà trai phải chủ động mọi sự. Khi con trai đã ưng ý một cô gái nào, nếu cả hai người không quen biết nhau, chưa có dịp tiếp xúc với nhau; nhà trai phải tìm người làm mai mối qua nhà gái giạm chuyện hỏi trước, nếu chuyện của người mai mối trót lọt, nhà trai mới qua nhà gái đưa chuyện xin hỏi cưới ra bàn.

Nếu cả hai nam nữ đã quen nhau từ trước, có thể không nhờ đến người làm mai nữa, mà chàng trai đặt thẳng vấn đề với nhà gái, nếu được sự ưng thuận, anh ta sẽ hướng dẫn gia đình mình sang nói chuyện. Đó là chuyện ngày nay.

Còn ngày xưa, dù đã quen hay không quen đều phải có người mai mối đi sang nhà gái giạm chuyện. Trách nhiệm của người làm mai thấy vậy nhưng thật nặng nề, phải tìm hiểu bên nhà gái, gia đình cô gái có đồng ý gả không. Phải nắm rõ cô dâu chú rể có hợp tuổi với nhau không (đi xem thầy), gia đình hai bên môn đăng hộ đối như thế nào (gia cảnh, địa vị trong xã hội), cả hai người có bệnh tật gì không (lấy vợ xem tông, lấy chồng chọn giống), và việc thách cưới như thế nào… là những nhiệm vụ của người làm mai.

Nếu những việc nói trên đều ổn, nhà trai mới xem ngày qua nhà gái cùng với trầu cau, trà rượu tượng trưng để giạm hỏi. Hai bên thông gia cùng nói chuyện ấn định ngày hỏi, ngày cưới cho hai trẻ. Trong ngày này nhà gái sẽ đặt vấn đề thách cưới với nhà trai, nếu bằng lòng hai bên mới tính đến ngày đính hôn (lễ ăn hỏi) và lễ cưới.

Tục lệ thời xưa, dù hai gia đình thân nhau, nhưng khi nhà trai đến giạm hỏi, nhà gái sẽ thách cưới bằng số lượng lễ hỏi thật lớn, như cau cả trăm buồng, vài tạ gạo nếp, vài trăm bánh cốm, bánh xu-xê, cộng với tiền vàng… để làm giá cho con gái thuộc loại tam tòng tứ đức, có ăn học, còn trinh nguyên, gia đình sui gia có chức có quyền v.v… để nhà trai bàn bạc.

Nếu nhà gái lấy lễ hỏi quá nặng thì xin bớt ít nhiều, nếu nhà gái không đồng ý việc tiến hành lễ đính hôn phải hoãn; muốn đôi trai gái đi đến hôn nhân, nhà trai lại nhờ mai mối sang nói lại để xin ngày giạm hỏi khác.

Với tục thách cưới này, nhiều gia đình nhà trai bất đắc dĩ phải lo liệu đủ sính lễ do nhà gái đưa ra, nhưng khi cô dâu về nhà chồng là khổ với mẹ chồng, có khi hai bên sui gia sinh ra oán ghét nhau.

Sau ngày giạm hỏi, chú rể tương lai mới được phép qua nhà gái nói chuyện tự do với cô dâu.

Trước đây, sau ngày giạm hỏi chú rể còn phải ở rể như con cái trong gia đình cô dâu, ông bà sui sai gì phải làm cật lực, trong thời gian ở rể nhà gái có tiệc tùng giỗ kỵ, nhà trai phải đem lễ vật qua gọi là góp tiệc hay góp giỗ. Thời gian ở rể nếu cha mẹ cô dâu không bằng lòng chàng rể, họ có quyền từ hôn.

Khi làm lễ đính hôn, bên nhà trai bê đủ mâm quả gồm trầu cau, bánh mứt, rượu thịt đến nhà gái để lễ gia tiên, sau đó nhà trai trao tượng trưng cho cô dâu một ít trang sức bằng vàng y (thường là nhẫn đính ước, dây chuyền – người Nam bộ thường đi bằng vòng kiềng – lắc vàng v.v…) theo số lượng nhà gái đã đưa ra.

Ngày lễ đính hôn rất quan trọng, vì nhà gái sẽ xem nhà trai có giữ tròn lời hứa khi họ thách cưới hay không, như số lượng cau bao nhiêu buồng, bánh mứt bao nhiêu hộp, tiền trao nhà gái bày tiệc đãi họ hàng (nhóm họ) trước khi cô dâu về nhà chồng …

Cũng trong ngày lễ ăn hỏi, nhà trai mới bày tỏ ngày xin được rước dâu (lễ cưới) trước họ hàng nhà gái, nếu có điều gì trục trặc bên nhà gái sẽ nêu ra trong buổi lễ để hai bên dàn xếp (mỗi họ đều cử người biết ăn nói để đối đáp cùng nhau, vì không thể ăn nói luông tuồng mà họ bên này có thành kiến với họ bên kia).

B/- LỄ CƯỚI

Sau khi định được ngày cưới, hai bên nhà trai nhà gái bắt đầu sửa soạn tiệc tùng khoản đãi họ hàng, làng xóm láng giềng và bạn bè thân hữu.

– Trước ngày đưa dâu một ngày, bên nhà gái tổ chức nhóm họ (cũng là đãi tiệc cưới), như để tuyên bố trước họ hàng, làng xóm con gái mình sẽ đi làm dâu cho họ khác, và như con mình đi lấy chồng có cưới hỏi đàng hoàng, để trong họ ngoài làng đều biết, không có lời dị nghị.

Trong ngày nhóm họ bên nhà gái, chú rể cũng có mặt để ra mắt họ hàng bên cô dâu (vì ngày đưa dâu, bên nhà gái đi rất hạn chế, do hai bên thỏa thuận số người đưa dâu qua nhà trai).

1/- Đón dâu

– Ngày hôm sau mới chính thức là lễ cưới, bên nhà trai sang đón dâu, họ đã chọn ngày xem giờ qua nhà gái, xem giờ rước dâu về nhà cúng gia tiên v.v..

Đám cưới vùng sông nước

Nhà trai bưng qua12 mâm quả (trước đây còn dùng mâm đồng, nay các dịch vụ làm thành hộp tròn có nắp và khăn đỏ đậy kín), gồm trà rượu, trầu cau, xôi gà, bánh mứt một số tượng trưng, cùng mâm quả đựng nữ trang như vòng vàng, nhẫn xuyến, để đón dâu.

Khi đến cổng, bên nhà gái có người đứng ra đại diện (không phải cha mẹ cô dâu) đón nhà trai tại đây, khi đúng giờ người này mới mời nhà trai đi vào nhà.

Hai bên sui gia đều có người đại diện ăn nói, đối đáp với nhau. Đa số bên nhà trai sẽ chọn người biết ăn nói lưu loát, biết rành tục lệ cưới hỏi, tính hiền lành, đông con nhiều cháu cùng cha mẹ chú rể sang đón dâu.

Khi câu chuyện mở đầu cho buổi đón dâu đã xong, nhà gái mới gọi cô dâu ra trước bàn thờ tổ tiên và tổ chức nhận lễ, mở khăn nắp các mâm quả.

Bên nhà trai sẽ giao từng mâm, đến mâm nữ trang, mẹ chú rể sẽ đeo vào cho con dâu, rồi nhà gái sẽ đáp lại bằng những của hồi môn (các vật cho cô dâu đem về nhà chồng, thường là nữ trang và tiền – tiền mừng thu được trong ngày nhóm họ, cộng thêm tiền riêng của cha mẹ nếu có – để cô dâu phòng khi hoạn nạn), việc trao nữ trang và của hồi môn được thực hiện trước sự chứng kiến người của hai họ, nhằm chứng tỏ hai bên sui gia đều môn đăng hộ đối, hoặc quan tâm đến dâu rể của mình.

2/- Lễ tơ hồng

Xong phần nghi lễ ấy, cha mẹ cô dâu lạy trước bàn thờ tổ tiên 3 lạy, tiếp đó cô dâu và chú rể sẽ ra đứng trước bàn thờ, đeo nhẫn cưới cho nhau rồi thắp ba cây nhang mà lạy trời đất một lạy; trước đây một lạy trời đất được gọi là làm lễ tơ hồng.

Tục lễ tơ hồng có điển tích như sau : Do ngày xưa bên Trung Hoa có người tên Vi Cố, một ngày đi ngắm trăng gặp một ông già đang se các sợi dây màu đỏ dưới ánh trăng, Vi Cố lấy làm lạ liền hỏi thăm, ông lão trả lời ta là Nguyệt lão coi việc se duyên cho các đôi vợ chồng ở trần gian, ta đã buộc sợi dây này vào chân người nào, thì dù thế nào họ cũng phải lấy nhau.

Vì thế chúng ta cho việc cưới vợ lấy chồng là do Nguyệt lão định trước, nên khi thành thân phải lạy tạ ơn ông ấy, và cầu xin Nguyệt lão phù hộ cho vợ chồng ăn ở với nhau được trăm năm hạnh phúc. Khi lễ trời đất xong, cô dâu chú rể lạy đến gia tiên nhà gái một lạy, lạy cha mẹ vợ một lạy như từ biệt và báo đáp công ơn sinh thành.

Từ giờ phút này xem như cô dâu đã theo về nhà chồng. Nhà gái sẽ lại quả, tức các mâm quả bên nhà trai vừa đưa qua sẽ để lại mỗi thứ một ít trong mâm, trao lại bên nhà trai đem về.

3/- Rước dâu

Việc đưa đón dâu tiếp tục (ở miền Bắc khi xưa mẹ cô dâu không được đưa tiễn con gái về nhà chồng), một số đại diện được nhà trai mời qua dự lễ cưới.

Việc rước dâu theo phong tục cũ rất quan trọng, vì bên nhà trai đã xem giờ hoàng đạo mới cho cô dâu bước vào nhà, nên giờ giấc việc đón rước dâu được nhà trai tính toán rất chu đáo để không bị sai lệch.

Khi rước dâu về đến cửa, nhà trai sẽ tạo không khí vui vẻ (trước đây được đốt pháo, nhưng nay việc này đã bị cấm, nên dùng hàng trăm quả bong bóng để chích cho có tiếng nổ dòn tan như tiếng pháo), bấy giờ mẹ chú rể mới nắm tay cô dâu đưa vào nhà.

Đám cưới ngày xưa

Thủ tục đầu tiên, cả hai bên sui gia nhắn nhủ đôi vợ chồng mới cưới, việc cô dâu phải giữ tam tòng tứ đức, hạnh phúc gia đình, sinh con đẻ cái v.v.. rồi cha mẹ chồng và đôi tân lang tân giai nhân bước đến bàn thờ gia tiên, theo thứ tự cũng thắp nhang lễ ba lạy, rồi cả hai quay sang cha mẹ chú rể lạy một lạy.

Đến phần bà con chú bác, các anh chị em của chú rể đến chúc mừng đôi vợ chồng mới và sau lời chúc, họ trao bao đỏ lì xì như tỏ ý giúp vốn cho đôi vợ chồng trẻ có vốn xây dựng sự nghiệp trong tương lai.

Hai bên sui gia mới vào tiệc, xem như phần nghi lễ đón rước dâu hoàn tất.

Nhiều đám cưới ngày nay hai bên gia đình tổ chức lễ cưới đơn giản hơn, tức đồng chiêu đãi tại một nhà hàng. Bên nhà gái không mở tiệc nhóm họ nữa, mà trong ngày cô dâu về nhà chồng các người trong họ hàng, làng xóm và thân hữu đến thẳng nhà hàng để chúc mừng.

Trước đây có nhiều tục lệ trong ngày cưới như : khi rước dâu, cô dâu đi đường phải ăn mặc thật đẹp, thật diêm dúa, và theo tục lệ khi đi đường phải trùm khăn kín mặt, có người dìu trong mỗi bước đi. Cũng trong tục xưa, cô dâu khi đi đường phải có vài cây kim cài vào áo choàng, để ai độc mồm độc miệng thì có kim làm phép quyền biến quăng đi trấn áp.

Có nhà trai khi đón dâu về nhà, bắt cô dâu phải bước qua bếp lò đang rực lửa cũng là ý đó, có người nói là tẩy rửa những cái xui xẻo từ trước của cô dâu. Những bà mẹ vợ lại dặn con khi về nhà chồng, khi vào phòng, bất cứ bằng giá nào cũng phải đạp bóng của chồng, cốt để sau này chồng phải sợ vợ mà không dám hiếp đáp. Ngược lại bên nhà trai cũng dạy chú rể phải đạp bóng cô dâu trước, hoặc đi vào phòng trước và dạy dỗ cô dâu một điều giáo huấn nào đó, để được làm “chồng chúa vợ tôi”.

Một tục lệ khác không mang tính mê tín, đây là một tục vui, khi nhà trai qua đón dâu, các bạn cô dâu không cho chú rể vào nhà, họ đứng thành hàng ngang hoặc kéo dây ngáng đường đi, miệng đòi tiền lì xì, khi nào chú rể chịu điều kiện mới được vào. Lúc rước dâu, họ cũng giăng dây cản lối đòi bao lì xì lần nữa mới chịu buông dây cho cô dâu chú rể đi qua.

Tục giăng dây này có từ lâu, theo điển tích vào đời vua Huyền Tôn, có người tên Đường Thiệu dâng biểu lên vua tâu rằng :

– Ngày người ta đón dâu, những kẻ hèn hạ thường hay lấy xe ngăn đường, đòi được dọn cỗ mời chúng ăn uống. Nhà có tiệc mừng phải chìu lòng, nếu không chúng sẽ ăn nói bậy bạ, gây những việc xui rủi cho đôi vợ chồng mới cưới. Việc này ngày càng phổ biến thịnh hành, chúng còn nằm lăn giữa đường không cho người đưa đón dâu đi qua, làm cho lôi thôi mất thì giờ, nhất là đến giờ hoàng đạo khi đón dâu về, cho nên các gia đình phải cho chúng tiền mở tiệc ăn riêng, vì không thể báo quan bắt tội bọn hạ cấp đó, để lấy sự suôn sẻ cho con cháu sau này.

Nay thời đại văn minh, việc giăng dây cấm cửa vòi vĩnh tiền như ngày xưa không còn nữa, mà các bạn trẻ của cô dâu chú rể chỉ bày ra để cốt vui đùa, nhưng vì đã định giờ Hoàng đạo nên vui vẻ đưa bao lì xì để tranh thủ đi cho kịp.

Tối ngày cưới, chú rể vào phòng với cô dâu, ở đây có chai rượu và cái ly làm lễ hợp cẩn. Chú rể rót đầy ly rượu, mỗi người uống nửa ly rượu hợp cẩn đó, uống xong cô dâu lạy chồng hai lạy, chú rể đáp lại một vái. Nay tục hợp cẩn không còn gia đình nào thực hiện. Ý nghĩa của nó, cốt cho cô dâu không còn e thẹn với đấng phu quân của mình, vì rượu sẽ làm cô dâu dễ say men tình ái.

Có những gia đình phong kiến khi cưới dâu về nhà, họ trải khăn trắng trên giường trong đêm hợp cẩn, nhằm tìm hiểu con dâu có còn trinh nữ hay không. Cho nên ngày xưa, các cô gái chưa chồng rất coi trọng tiết trinh. Người Hoa thì xem trên cánh tay phải của cô dâu có còn dấu “thủ cung sa” không (tục này có từ đời Hán Vũ Đế, để đánh dấu thủ cung sa vào tay các cô gái còn trinh nữ, họ bắt con thằn lằn nuôi với chu sa; khi con vật to lớn đỏ mọng mới đem nướng rồi tán thành bột, dùng để xâm lên cánh tay phải của con mình. Ai đã thất tiết, tức thì dấu thủ cung sa sẽ biến mất đi).

4/- Lễ lại mặt

Dù cô dâu chú rể ở riêng hay ở chung với gia đình, sau ba ngày hai vợ chồng phải có mâm lễ xôi chè đem về nhà vợ lạy gia tiên, gọi là lễ lại mặt.

Tục này cho nhà gái hay, cô dâu có còn trinh tiết khi về nhà chồng hay không, hoặc có lễ phép, phục tùng nhà chồng không. Nhà gái thấy mâm lễ đầy đủ nhận biết con gái của họ được lòng nhà chồng, còn nếu không mâm lễ gồm những vật tượng trưng cho sự xấu xa của cô dâu.

Trên đây nói về những phong tục cưới hỏi mà đến những năm 60 – 70 thế kỷ trước, mới được bỏ bớt một vài tục, cũng như hiện nay với việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhà nước kêu gọi những hủ tục trong cưới hỏi nên được giảm bớt, tránh phô trương nhằm tiết kiệm nên được tổ chức gọn nhẹ.

oOo

Trong sinh hoạt cộng đồng ngày nay, các lễ cưới cũng không còn rườm rà, người ta chỉ tổ chức các lễ như :

1- Lễ giạm hỏi (có hay không có người mai mối), trong đó không còn việc thách cưới, vì chưa chính thức qua giạm hỏi, hai gia đình đã gặp nhau bàn bạc từ trước.

2- Lễ đính hôn.

3- Lễ cưới : không còn làm lễ tơ hồng, tục giăng dây đòi bao lì xì cũng không còn. Không có nhóm họ tại nhà gái, vì đôi khi hai họ cùng tổ chức đãi tiệc cùng chung một buổi, một nhà hàng.

4- Lại mặt : cũng bãi bỏ, vì thời buổi văn minh, nhiều khi cô dâu chú rể đã tìm hiểu nhau trước mới tiến đến hôn nhân. Nên chăng chỉ vào dịp Tết Nguyên Đán, vợ chồng mới cưới nên đi khắp họ hàng đôi bên vừa để ra mắt vừa chúc tuổi đầu xuân.

Riêng những người theo đạo Thiên chúa, nhất nhất phải có lễ hôn phối tại nhà thờ trước khi tổ chức tiệc cưới (làm bí tích hôn phối). Những người không có đạo (cô dâu hoặc chú rể) có thể chọn lựa một trong hai cách :

1- Theo đạo : phải học giáo lý và các bài kinh cầu nguyện, cùng một khóa giáo lý hôn nhân.

2- Không theo đạo : không học đạo, nhưng phải có lễ cưới được tổ chức tại nhà thờ, trong đạo Thiên chúa gọi là làm phép chuẩn (tức đạo ai người nấy giữ).

Việc này còn do ý kiến từ gia đình hai bên và của cô dâu chú rể đã bàn bạc cùng nhau. Còn các tục lệ cưới hỏi cũng không ngoài những mục đã nêu trên.

Nhân đây chúng tôi xin nói qua về việc hỉ (các lễ mừng, trong đó có cưới hỏi), khi xưa ở các làng mạc miền Bắc, còn có tục nộp cheo. Bây giờ hủ tục này hoàn toàn bị xóa bỏ, nhưng trong các sách vở thường hay nói đến, những người sinh sau 1945 ít biết được lệ nộp cheo là gì. Chúng tôi đưa ra để mọi người tham khảo cho thêm sự hiểu biết về phong tục xưa và nay.

Ngày xưa nhà nào có tiệc ăn mừng như con cái đỗ đạt, đi làm quan, xây nhà hay tổ chức hỏi cưới, đều phải nộp tiền cho làng xã hưởng, được gọi là tiền nộp cheo.

Nếu người cùng làng lấy nhau thì hai gia đình chỉ nộp cheo vài đồng tượng trưng, là nộp cheo nội. Người ngoài làng lấy gái trong làng phải nộp nhiều hơn đến cả trên chục đồng, là nộp cheo ngoại. (Có làng không lấy tiền mà bắt nhà trai nộp bằng hiện vật mà làng cần như gạch, ngói, heo, bò v.v… tương ứng với số tiền cheo ngoại).

Ngoài lệ nộp cheo cho làng, có xóm, có họ tộc cũng đặt nộp cheo hàng xóm, cheo ban tộc, vài đồng làm quỹ tương tế, nếu không nộp, người xóm làng, người trong họ tộc sẽ không công nhận việc cưới hỏi.

Việc nộp cheo nhằm chứng minh việc lấy vợ gả chồng là hợp pháp phân minh, sau này nếu hai vợ chồng có xảy ra hậu sự mới được làng xã, hàng xóm, họ tộc đưa ra phân xử; vì khi đến nộp cheo, làng xã đã xem xét tính hợp pháp của đôi vợ chồng sắp cưới, qua các dạng tra xét :

– Cô dâu có bị ép hôn không chịu lấy chú rể.

– Cô dâu và chú rể có cùng huyết thống hay không (trai bên nội lấy gái bên ngoại phải xa đến ngũ đại mới được lấy nhau), nếu không là trái với luân thường đạo lý.

Thời phong kiến khi vợ chồng lấy nhau đều chưa được lập giấy kết hôn như bây giờ – vì thời ấy chưa có – nên tục nộp cheo như hình thức chứng minh hai người chung sống với nhau hợp pháp mà thôi.

Khi xưa chú rể sau khi nộp cheo được làng xét cho lấy vợ, chú rể chỉ viết một tờ đơn mà nộp cho làng. Sau này vợ chồng ở với nhau không được nữa, muốn bỏ nhau (ly dị) thì phải có cái cớ để đưa ra làng xét :

– Người đàn ông trong gia đình ăn ở phụ bạc, hay đánh đập vợ không lý do chính đáng, gây thương tích nặng nề cho vợ, người vợ được phép bỏ chồng.

– Người đàn bà phạm một tội trong Thất xuất gồm :

1/- Không sinh được con (phạm vào nghĩa Tam tòng : tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). 2/- Dâm loàn (có tình nhân). 3/- Không tôn kính cha mẹ chồng. 4/- Lắm điều (phạm Tứ đức công, ngôn, dung, hạnh). 5/- Trộm căp tài sản nhà chông. 6/- Ghen tuông (cũng phạm vào Tam tòng Tứ đức, vì ngày xưa đàn ông con trai được đa thê, cưới nhiều vợ. Người vợ ghen tuông làm trong nhà có nhiều xáo động mất đi tính diệu hiền của phụ nữ).7/-Có ác tật (các bệnh truyền nhiễm như bị lao, cùi hủi, thần kinh…). Người chồng được phép bỏ vợ.

Đàn bà khi muốn bỏ chồng phải đem trầu cau đến trình làng xã, hàng xóm và họ bên chồng, mới được thôi chồng, sau này mới lấy được chồng khác.

Đàn ông muốn bỏ vợ chỉ cần viết tờ đơn “rầy vợ”. Người vợ phải cầm tờ giấy này đưa trình làng xã, xóm làng mới được ở riêng, sau này mới được lấy người khác .

Khi được làng xã, xóm làng chấp thuận cho họ bỏ nhau, mới xét đến việc chia của cải và con cái (nhưng thời xưa người đàn bà thường chịu thiêt thòi không được hưởng gì. Ra đi với hai bàn tay trăng kê cả con cái của mình còn thơ dại).

Thiên Việt