BÍ ẨN CỦA 12 CON GIÁP

TÍNH CHẤT

12 CON GIÁP

ĐÔNG PHƯƠNG

–  THIÊN VIỆT

Khi nói về tín ngưỡng dân gian trong đời sống tâm linh mọi người, nếu không nhắc đến 12 con giáp quả thật thiếu xót, vì mỗi người trong chúng ta đêu cầm tinh một con vật “thiêng” do trời đất đã định từ khi mới chào đời, và cũng chính một trong 12 con giáp ấy cai quản trái đất và loài người trong một năm, một tháng, một ngày và một giờ âm lịch với những truyền thuyết huyền bí.

Việc sử dụng 12 con giáp làm biểu tượng cho thời gian và tính cách con người, chủ yếu gắn liền với các dân tộc nằm trong ảnh hưởng của triết học Trung Hoa. Trong triết học biện chứng, người Trung Hoa xây dựng các biến đổi của Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái thành Dịch lý, và dùng Thập Can – Thập Nhị Chi để các con vật – 12 con giáp – mang những tính chất khác nhau, đưa vào lịch Can Chi, Tiết Khí hàng năm.

Sau đây một số quan niệm cổ của người Trung Hoa, về tính chất của mỗi con vật “cầm tinh” trong đời sống tâm linh mỗi người :

1. CON CHUỘT (Tý) : vui vẻ, xởi lởi, dễ gần, dễ mến nhưng hay lo vặt, cũng dễ nổi giận. Học thức ít nhưng lại tự tin vào tài năng. Thích làm đẹp, làm sang cho bản thân trong khuôn khổ. Tuổi Chuột hợp với tuổi các con Khỉ, Rồng, Trâu, kỵ các tuổi Rắn, Chó và Heo (Lợn), đặc biệt tối kỵ với tuổi con Ngựa.

2. CON TRÂU (Sửu) : có tính nhẫn nại, cần mẫn, chịu khó, ít lời, không hay khoe khoang nên dễ tranh thủ sự giúp đỡ của người khác. Tính tình nóng nảy nên dễ sinh cục tính. Người tuổi con Trâu lấy chuyện làm ăn là chính, còn tình cảm thuộc hàng thứ yếu nên khó xây dựng một gia đình hạnh phúc. Hợp với tuổi Chuột hoặc Gà. Không nên lấy tuổi Chó, và kỵ tuổi Heo.

3. CON CỌP – CON HỔ (Dần) : tuổi Cọp thường nhạy cảm, đa tình, có đời sống nội tâm cao nên thường hay do dự. Quả cảm, kiên trì nhưng có vẻ ích kỷ, thiển cận. Có vía dữ ma quỷ cũng tránh, do đó theo quan niệm phương Đông người ta thường cầu mong trong gia đình có người tuổi Cọp. Tuổi này hợp duyên với tuổi con Ngựa và Rồng, khắc tuổi các con Trâu, Rắn, Khỉ.

4. CON MÈO (Mão) : tuổi này thường thành đạt, người nhã nhặn, khiêm nhường, ít giận hờn, hiếu thảo và có giao thiệp rộng, bước vào đời gặp nhiều may mắn. Dễ kinh doanh buôn bán.Tuổi này dễ khóc, dễ cười, chăm học, chăm đọc song lại có ít tài năng đặc biệt. Hợp với tuổi Chó, Dê, Heo, khắc tuổi Chuột, Gà và không hợp tuổi con Rồng.

5. CON RỒNG (Thìn) : khoẻ mạnh, năng nổ, xốc vác, dễ bị khích bác, kích động, nên khó làm chủ bản thân. Có tính gàn bướng nhưng độ lượng, dễ giàu có và tiếng tăm, tuy nhiên cũng dễ bị lôi kéo vào việc xấu. Tuổi này về già được nhàn nhã. Nên lấy người tuổi con Chuột, Rắn, Khỉ, Gà.Tránh Rồng, Trâu, Chó .

6. CON RẮN (Tỵ) : Khôn ngoan, có ý chí, gặp may nhiều và dễ thành đạt. Thích phô trương nhưng ích kỷ và keo kiệt. Đa nghi nhưng khi cho tiền ai thì cũng cho rất nhiều. Có tính thích khen nịnh vì tuổi này khá lãng mạn. Hợp với tuổi Trâu, Gà, khắc với tuổi Cọp và Heo.

7. CON NGỰA (Ngọ) : vui tính, nhưng hay ba hoa, mồm mép; bôn ba nhiều nhưng cũng có tiếng tăm và dễ gây cảm tình. Giỏi kinh doanh, giỏi đoán ý đồ của người khác để “lựa lời ăn nói”. Tuổi con Ngựa có nhiều tài nhưng khó tính, cầu toàn trong công việc, coi tình cảm là thứ yếu. Dễ bị lừa trong yêu đương. Hợp các con Cọp, Chó, Dê. Kỵ con Chuột.

8. CON DÊ (Mùi) : nhạy bén, tinh tế trong cảm xúc, cuồng nhiệt nhưng cũng dễ thất vọng, bi quan. Dễ thích nghi với mọi người. Cuộc đời ít gặp may nhưng lại mộ đạo. Đời sống vật chất tạm ổn. Hợp với các con Mèo, Heo, Ngựa, tránh các con Chuột, Chó, Trâu.

9. CON KHỈ (Thân) : thông minh, hiểu biết nhiều, nhưng không để tâm đến công việc. Nhớ thì làm quên thì cho qua, mặc dù khi xử lý công việc lại khá nhanh nhẹn. Dễ hòa nhập, ngoại giao tốt, trí nhớ dai. Đường tình duyên không may mắn. Gặp tuổi con Chuột, Rồng thì tốt, gặp tuổi Heo, Rắn sẽ kém may, gặp con Cọp thì đại họa.

10.  CON GÀ (Dậu) : hay bận rộn lo toan, tham công tiếc việc, việc gì cũng muốn làm nhưng lại dễ bi quan thất vọng. Thích hoạt động xã hội. Tự tin nhưng lại ít tin người. Luôn luôn có đầu óc mộng tưởng viển vông, đến kỳ cục. Tiêu pha hoang phí nhưng trực tính. Hợp với các con Trâu, Rắn, Rồng. Tránh các con Gà, Chuột, Chó. Kỵ nhất là con Mèo.

11. CON CHÓ (Tuất) : biểu hiện tập trung mọi phẩm chất tốt của con người. Ngay thẳng, chân thành, biết mình, biết người, có đức tin và có độ tin cậy cao. Đại lượng, không vụ lợi, người tuổi con Chó ít giao du, sống kín đáo, bướng bỉnh và thẳng thắn, giỏi quản lý, giỏi hoạt động xã hội. Hợp tuổi các con Chó, Cọp, Mèo, Ngựa, không hợp con Trâu, Gà, kỵ các con Rồng, Dê.

12.  CON HEO  – CON LỢN (Hợi) : kiên định, kiên trì, cuộc đời tuổi con Heo mang tính mục đích rõ rệt. Ít bạn nhưng có tình, sẵn sàng hy sinh vì bạn. Ít nói nhưng vẫn không biết giữ bí mật. Tuổi con Heo không thích cãi vã. Đường tình duyên không thuận lợi. Hợp các con Mèo, Dê, tránh con Khỉ, đại kỵ con Rắn.

Nguồn gốc phát sinh 12 con giáp

Tuy nhiên nhiều người chưa biết tại sao lại có nguôn gốc 12 con vât như thế ?

Tương truyền thời xa xưa người ta lấy mặt trời làm chuẩn cho một ngày lao động : “Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ”. Nhưng gặp ngày trời đầy mây mưa che khuất ánh mặt trời, con người không biết dựa vào đâu để làm việc, vì họ không biết đến giờ giấc.

Có người tên Đại Nhiêu đã sáng tạo ra Thập can (10 can) gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và Thập nhị chi gồm Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi để tính thời gian, một ngày chia làm 12 giờ (vì một giờ âm lịch gồm 2 tiếng theo dương lịch), và dùng một địa chi biểu thị cho một giờ, lại dùng đến thiên can phối hợp với nó để tính năm như : năm Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần…

Nghe nói thời đó đã có văn tự, Đại Nhiêu liền dùng chữ để diễn tả ý tưởng Can Chi kết hợp thành vòng Lục Thập Hoa Giáp, đồng thời soạn ra bộ lịch coi ngày, giờ, tháng, năm đơn giản.

Nhưng thứ lịch dùng văn tự vừa xuất hiện, trong các bộ tộc rất nhiều người không hiểu ý và không nhớ hết. Hoàng Đế biết việc này liền dùng 12 con vật để làm biểu tượng và chia tên từng năm, hầu cho dân chúng dễ hiểu, dễ nhớ.

Năm Giáp Tý dùng con chuột để biểu thị. Năm Ất Sửu dùng con trâu… Ngày này qua tháng khác mọi người thấy dùng năm Giáp Tý, Ất Sửu khó nhớ, nên gọi luôn là năm chuột, năm trâu… Vì thế những người sinh năm con chuột được cho là cầm tinh con chuột, những người sinh năm trâu là cầm tinh con trâu. Như vậy mỗi người đều cầm tinh một con vật.

Việc cầm tinh tên 12 con vật là sự hình thành kết hợp lẫn nhau của cách tính năm của người xưa.

Theo Triệu Dực, một học giả nổi tiếng đời Thanh, cách lấy động vật để nhớ năm lưu hành có sớm nhất trong dân du mục ở miền bắc nước Trung Hoa. Khi quan sát tinh tú biết được sao Thái Tuế (Mộc tinh) vận hành một vòng hết khoảng 12 năm, và họ lấy phương vị của sao Thái Tuế để tính năm, nhớ năm và dùng tên gọi những con vật quen thuộc nhất đưa vào cho dễ nhớ. Như vậy xuất hiện lịch 12 con giáp.

Về sau kết hợp với phương pháp tính năm theo Can Chi, người ta định hình được vòng Lục Thập Hoa Giáp, giúp người sinh năm nào sẽ có một con vật tương ứng gọi là “cầm tinh”, nhưng tính cách lại dựa vào phần “ngũ hành nạp âm” của chúng, như chuột Giáp Tý (nạp âm là Hải Trung Kim) khác với chuột Bính Tý (Giang Hà Thủy), những con chuột khác cũng vậy : Canh Tý (Bích Thượng Thổ), và Nhâm Tý (Tang Đố Mộc). Theo biện chứng ngũ hành, tính tình sẽ thay đổi theo ngũ hành nạp âm người Hải Trung Kim tính tình cứng rắn, nhưng người Bích Thượng Thổ lại khô khan !

Vương Sung người Đông Hán trong “Luận hành” viết : “ngọ là ngựa, tý là chuột, dậu là gà” chứng tỏ 12 địa chi phối hợp với 12 con vật đã lưu hành từ đời Hán. Cổ nhân căn cứ vào qui luật thời gian các con vật xuất hiện hoạt động, để chọn ra 12 con vật là chuột, trâu, cọp, thỏ (ở Việt Nam gọi là mèo), rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo để tính 12 giờ trong ngày.

Có thể thấy những loại động vật khác nhau, phối hợp với địa chi chẳng qua chỉ theo sự phối hợp của các nhà âm dương đời Hán. Cả hai đều không tồn tại mối liên hệ hữu quan tất yếu nào. Còn đến việc kỵ, tránh trong số mệnh (như trong cưới xin, hợp nhau, xung nhau) hoặc cát hung họa phúc, tính cách hợp, xung… đều là do các thầy bói đặt ra trong mệnh lý học từ xưa đến nay mà thôi.

Vì trong cùng một con vật “cầm tinh” đã kỵ nhau, khi xét đến biện chứng tương khắc hay tương sinh của ngũ hành :

Tương khắc là Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim và Kim khắc Mộc.

Còn tương sinh là Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.

Sau đó còn xét đến phần nạp âm của chúng v.v.. nên mọi việc được nói khái lược qua sách báo chưa hẳn đã mổ xẻ hết cuộc đời.

PHONG TỤC NGÀY TẾT

Tết Nguyên Đán Canh Dần sắp về với mọi nhà. Là ngày hội lớn nhất trong năm, ai ai cũng đều được nghỉ ngơi sau 360 ngày làm việc lo cơm áo gạo tiền. Đây là một phong tục của người Á Đông, những nước khi xưa chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa, mà nước ta là một trong số các nước đó. Vì thế những ngày trước trong và sau Tết Nguyên Đán, luôn là những ngày mà mọi người thường đi theo tục lệ truyền thống dân gian đã có hơn từ ngàn năm nay, trong tục lệ còn có tín ngưỡng và tâm linh.

Nhân ngày Tết Nguyên Đán Canh Dần sắp đến, chúng tôi xin có bài viết về phong tục ngày tết :

ĐÓN ÔNG BÀ

Vì sao có tục đón ông bà ? vì ngày 23 tháng Chạp khi đưa ông táo về trời tâu lên Ngọc Hoàng những chuyện trong năm cũ của gia đình và nhận lời phán xét của Ngọc hoàng cho năm mới. Ngày này ông bà cha mẹ (người đã chết) cũng phải về chầu âm phủ để được Diêm vương phán xét việc đầu thai hay chưa, ai được phong thần phong thánh v.v… cho nên từ 25 tháng chạp, đến ngày cuối năm (trước khi cúng đón ông bà cha mẹ) người người đến nghĩa trang thăm mộ gia tiên (rẩy mả) trước thăm viếng sau sửa sang lại ngôi mả cho thật sạch sẻ để ông bà về đón tết.

Nên từ 23 tháng chạp trở đi việc nhang khói, đánh chuông đánh trống tại các đình chùa đền miếu đều không có, mọi sự tại các nơi này yên tĩnh.

Trong ngày 29 (hoặc 30 tết), các gia đình tổ chức mâm cơm mặn vào lúc giữa trưa, trước là đón ông Công, ông Táo sau là đón ông bà cha mẹ về ăn tết cùng gia đình mình trong 3 ngày tết (đến khi hạ nêu thì tiễn ông bà). Tục này hiện nay rất phổ biến, không loại trừ những người bên đạo Thiên chúa, vì đây là sự thành kính, hiếu thảo của con cái với tổ tiên mà thôi. Trong ngày đón ông bà, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều tề tựu (nếu cúng tại tổ đường thì không khí đông vui, như đã vào tết).

CÚNG GIAO THỪA

Trong cuốn “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính có viết về Lễ cúng giao thừa.

-“Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc trần gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế đêm giao thừa là để tiễn ông cũ và đón ông mới”. Đó là ý nghĩa của việc cúng giao thừa ngay vào lúc trừ tịch (0 giờ ngày mới, tháng mới, năm mới), nhiều gia đình tổ chức rất long trọng, các đình chùa, miếu mạo cũng chuẩn bị thật trang nghiêm nhằm tống cựu nghinh tân.

Khi cúng giao thừa bàn thờ được lập giữa trời chứ không phải trong nhà. Có nơi cúng các hoa quả ngày tết, có nơi cúng mặn. Ngày xưa, lễ vật thường gồm một đầu heo hoặc con gà, bánh chưng xanh, bánh kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu và giấy tiền vàng bạc, đôi khi có thêm áo mũ của vị hành khiển năm mới.

Khi đúng nữa đêm, các nơi đánh chuông đánh trống, còn tại mỗi gia đình chủ nhà thắp 3 nén nhang (có người dùng 3 cây nhang đại, cháy cả ngày chưa tàn) khấn vái trời đất, khấn vái ông hành khiển mới, xin cho gia đình được một năm may mắn và những vận rủi sớm đi qua.

Theo quan niệm dân gian mỗi năm có một ông hành khiển, qua báo chí ta vẫn thấy vị hành khiển của năm mới mang tên 1 trong 12 con giáp (theo đúng năm được gọi tên), người xưa gọi là Thập nhị hành khiển vương hiệu. Vị thần cai quản trong năm được gọi là dương niên chi thần. Mỗi chi thần này còn có một phán quan giúp việc (Vị thần hành khiển trong năm lo việc thi hành những mệnh lệnh trên thượng giới, trình lên Ngọc hoàng Thượng đế những việc đang điều hành, còn vị phán quan lo ghi chép công tội của mọi gia đình, mọi địa phương v.v..)

TỤC HÁI LỘC

Sau giao thừa, người Việt thường có một cuộc “du xuân” để cầu may mắn. Người ta thường đến đền, chùa để làm lễ. Khi ra về ngắt một cành hoa hoặc một nhánh cây gọi là hái lộc. Về nhà, cành lộc thường đuợc trưng tại gian nhà chính và gìn giữ trọn một năm mới bỏ đi. Người Việt chúng ta tin tưởng rằng việc hái lộc để lấy may. Cành lộc thường là cành đa, cây đa lại là cây sống rất lâu. Chọn cành đa là họ mong muốn sẽ trường thọ, nhiều tiền bạc, đông con nhiều cháu.

TỤC XÔNG ĐẤT

Vào ngày mồng một Tết, ai là người bước chân vào đất hoặc nhà người khác đầu tiên được cho là người xông đất. Theo quan niệm, người xông đất là người có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của gia chủ trong một năm. Nếu người xông đất tốt thì mọi việc trong năm sẽ thuận buồm xuôi gió, ngược lại, người xông đất xấu sẽ gặp rủi ro.

“Xấu” và “tốt” ở đây có nghĩa là hợp duyên hợp vía. “Duyên” và “vía” ở đây cũng có thể là tính tình, đạo đức tư cách của người tới xông đất; cũng có thể là người xông đất năm đó có tuổi hợp với tuổi của gia chủ hay không. Vì vậy người ta cố tránh đến nhà nhau vào sáng sớm mùng một tết, còn ai được gia chủ có nhã ý mời tới xông đất thì khi đến cũng phải rất thận trọng. Trước hết, trước khi bước vào đất của gia chủ, người xông đất phải cười vui vồn vã với gia chủ, lì xì cho con cái gia chủ thật mau mắn, sau đó mới chúc tết lẫn nhau…

KIÊNG NGÀY MÙNG MỘT TẾT

Quan niệm vào ngày mùng một tết là ngày đầu tiên trong năm, nếu  mọi việc diễn ra tốt đẹp thì cả năm sẽ trôi chảy, thuận lợi. Bởi vậy, vào ngày mùng một Tết, người ta chúc mừng nhau những điều hay. Ngoài ra người dân còn kiêng cữ  một số việc như sau:

– Kiêng quét nhà. Nếu quét thì vun rác vào góc nhà. Sang sáng mùng hai mùng ba mới hốt đi vì sợ Thần giữ của theo rác ra đi.

– Kiêng cho lửa, vì lửa tượng trưng cho “vận đỏ”, “may mắn”. Cho lửa là cho đi sự may mắn

– Kiêng làm vỡ ly chén, tô, đĩa vì sợ sự đổ vỡ.

– Kiêng chửi mắng đánh đập con cái để mong cả năm yên ổn, thuận hòa.

– Kiêng đòi nợ, vay nợ vì nếu phải trả nợ vào ngày mồng một thì sẽ mất mát, thua thiệt quanh năm

– Kiêng nói những câu “mất”, “chết” để khỏi diễn ra sự mất mát, chết chóc trong cả năm.

– Kiêng khóc than để tránh sự ảm đạm trong cả năm.

– Kiêng để đèn thắp trên bàn thờ hết dầu vì như vậy có nghĩa là cuộc đời sẽ tàn lụi.

– Kiêng cho mượn đồ vật dụng vì đấy là hình thức “trao của”, hệt như việc trả nợ.

– Kiêng ngồi giữa cửa vì sợ cản trở sự trôi chảy, trót lọt của gia đình

– Người gia đình có tang không được đến chúc tết người khác vào ngày mùng một vì sợ đem sự rủi ro tới cho gia chủ và giảm lòng hiếu thảo với người đã khuất.

– Kiêng đi vào giờ xấu. Giờ “xuất hành”phải là giờ hoàng đạo và khi đi phải chọn hướng tốt mà đi.

TỤC HỨNG NƯỚC ĐẦU NĂM

Ở nông thôn (và có thể ở cả trong thành phố) người dân quan niệm rằng đầu năm mà có người gánh nước tới nhà thì có nghĩa là tiền vào nhà như nước. Bởi vậy, những người gánh nước thuê đầu năm được gia chủ đón tiếp rất niềm nở và được thưởng tiền nhiều gấp mười lần ngày thường. Còn nơi thành phố, vì quá trình hiện đại hóa, nên đa số gia đình đều có nước thủy cục, việc thuê người gánh nước không còn ai phục vụ cho điều này nửa. Vì thế vào nửa đêm, các gia đình mở vòi nước cho chảy tràn hồ chứa nước, xem như tiền vào nhà như nước.

TỤC MỪNG TUỔI

Năm mới mọi người lớn thêm một tuổi, người lớn có tục lì xì (mừng tuổi) cho người ít tuổi hơn mình, như lời nhắn nhủ, tiền lì xì ấy sẽ sinh sôi nẩy nở thêm nhiều, mà vun đắp tương lai.

Tiền lì xì còn gọi là tiền “mở hàng để lấy may”. Tại Chợ Lớn, các thương gia thường lì xì cho khách hàng một bao lì xì màu đỏ trong đựng một tờ  giấy bạc mới, dù người đó có mua hàng hay không, họ cho là “tiền mở hàng” lì xì càng nhiều phong bao, họ cho là trong năm sẽ phát đạt (vì như thế tức trong năm nhiều khách hàng hơn)

Trẻ em lại thích tiền mừng tuổi, người lớn cho rằng như vậy trong năm có nhiều niềm vui trong cuộc sống, qua sự ngây thơ của trẻ nhỏ khi được bao lì xì thì cười nói tíu tít v.v…

TỤC HÓA VÀNG

Trong ba ngày tết, thông thường vào chiều ngày mùng 3, nhà nhà có tục hóa vàng (tiễn ông bà), nhiều gia đình cũng mời bà con trong họ tộc đến để dự lễ này.

Lễ hóa vàng như đã nói, tiễn đưa ông bà cha mẹ về lại tổ đường, hay chùa chiền mà họ đã gửi hương linh (theo truyền thuyết khi người chết, họ vẫn còn 3 hồn, một hồn ở nơi chôn cất, một ở nơi chết hoặc là chốn thờ tự và một hồn ở suối vàng). Sau còn ý nghĩa khác, mời họ hàng phá mồi (tức dùng hết những món ăn ngày tết đã mua sắm trong nhà như dưa hấu, bánh chưng, thịt mở, dưa hành v.v…)

Lễ hóa vàng là đốt hết các loại giấy tiền vàng bạc đã để trên bàn thờ, khi đã đốt hết người ta đổ vào đống tro những chén rượu cúng. Tục lệ cho rằng, có như vậy ở cõi âm các vị ông bà cha mẹ mới có tiền tiêu xài trong năm mới.

Có nơi (nhiều vùng nông thôn) vẫn có tục mua 2 cây mía dùng trong việc thờ tổ tiên trong 3 ngày tết, trong ngày hóa vàng họ hơ mía trên đống tàn còn đang rực đỏ, có ý chuyển giao cho tổ tiên có gánh quải tiền về, cũng là khí giới chống bọn cướp vàng nơi cõi âm.

THIÊN VIỆT

10 bình luận

  1. chao chu chau nho chu giai dap dum chau ve tu vi cua chau. Chau sinh ngay 10/11/1986 am lich, sinh gio ngo vao luc 12h trua. chau nho chu giai dum chau. chau cam on chu nhieu

  2. tôi nhờ bác Thiên Việt – Lê hoàng Nguyễn trả lời giúp cho tôi vì tôi cũng rât cần nếu không liên lạc được thì có thể gặp ai bác có thể giúp nếu không tiện thì bac có thể gưi mail theo địa chỉ của tôi đã đăng ký.
    Xin chân thành cam ơn

  3. chao chu, con nho chu giai dap dum con, con cam on nhieu!

  4. Chào bác Thiên Việt!
    Cháu nhờ bác xem giúp tử vi cho con trai của cháu, Dương Hoàng Đăng, sinh 6h17phut ngày 2/10 năm Tân Mão. Cháu cảm ơn bác!

  5. Không biết 12 con giáp chuẩn hay là 12 cung hoang đạo chuẩn nhỉ

  6. chú ơi! nhờ chú coi qua tháng cho năm nhâm tuất (4/1982) tháng nào là tháng hạn trong năm nay và nên tránh những gì. cháu xem tủ vi rồi nhưng chung chung quá. tháng nào cháu cần dốc sức dốc của để thu được thành công trong công việc gia đình và chính trị của cháu. nếu được chú cho số cháu sẽ liên hệ trực tiếp với chú. nếu ko chú trả lời vào mai của cháu là xuannhu2008@gmail.com. cháu cảm ơn chú nhiều

  7. chú thiên việt cháu nhờ chú xem tử vi của con trai cháu với. Nguyễn Duy Minh Đức sinh vào 8h20 ngày12/11năm Tân Mão. cháu cảm ơn chú ạ.

  8. Anh Thiên Việt thân mến!
    Có một con giáp là điểm mấu chốt cho ta biết nguồn gốc của 12 con này. Tại sao VN vẫn cứ là “mèo – mão – miao”? Ví con này mới làm cho 12 con giáp có quy luật âm dương ngũ hành hoàn chỉnh. Con Thỏ vào đó làm cho đứt chuỗi mắt xích đó. Tại sao cách đọc của người Hán hiện nay vẫn giống y chang tên gọi các con này trong tiếng Việt? Bởi đó là chúng đã được nhập thế vào cuộc sống của người Việt ta từ rất xa xưa và đương nhiên cũng giống như cách đọc các câu tục ngữ về sản xuất chẳng hạn. Nó đã ăn sâu vào văn hóa, tín ngưỡng nên nó không thể xóa khi có kẻ khác “ăn cắp bản quyền”. Người Việt ta đặt tên các con vật thường dựa vào đặc điểm ngoại hình, âm thanh…để gọi. Tên của 12 con giáp gần như trùng với đặc điểm đặt tên này.

Gửi phản hồi cho ~.^Top7en^.~ Hủy trả lời