Tính chất của Phong Thủy

24 Bi an phong thuyNHẬN THỨC

TRONG THUẬT

XEM PHONG THỦY

– bài Quế Phượng

Nước ta xưa có Tả Ao tinh thông thuật phong thủy, cuốn “Tầm long gia truyền” (Dã đàm Tả Ao) của ông còn được lưu truyền cho đến nay, là do các hậu duệ soạn lại. Sách trên cho rằng, tìm long đầu (đầu rồng) và lý khí (nạp khí và sắc khí) là căn bản của nghề xem địa lý phong thủy (mọi người còn có cách gọi “thầy tướng địa”). Muốn được như vậy phải chuẩn bị kiến thức thật chu đáo.

Trước khi khoa phong thủy được phát triển ở nước ta, chúng ta cần hiểu thêm về lịch sử của môn học thuật này phát xuất vào thời điểm nào :

– Khoa phong thủy trong địa lý học Đông Phương du nhập vào nước ta từ đời nhà Đinh (từ cuối thế kỷ thứ X – 968 – 980)

Thời gian này phù hợp với thời đại Tống triều bên Trung Quốc, trong lúc đang nổi lên các học thuật được phát huy từ Dịch học như Chiêm bốc, Chiêm tinh, Mai hoa, Bát tự, Tử bình, Tử vi v.v…

Đến đời tiền Lê (thế kỷ XI), các lý thuyết về Âm Dương – Ngũ Hành ngày càng thịnh hành, mọi người tin rằng trong cuộc sống có thần quyền, đời người đều có số mệnh, muốn thay đổi số mệnh phải được thần linh giúp đỡ, từ đó người ta nghĩ đến tìm mảnh đất cất nhà cho người sống, tìm nơi an táng cho người chết, mà những người tiên phong cho phong trào này lại là các quan chức trong triều đình, làm cho người dân càng thấy tin tưởng hơn về việc tầm long trong xây dựng, tìm huyệt để điểm đất an táng.

Đời nhà Lý từ năm 1010 đã lấy Thăng Long làm kinh đô (nay là thủ đô Hà Nội – năm 2010 sẽ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long), tên kinh đô có nghĩa : rồng bay (phi long, thăng long) nằm trong thuyết tầm long của phong thủy.

Vì thế môn địa lý phong thủy càng được dân chúng tin cậy, các sách vở về địa lý phong thủy được du nhập từ Tống triều tràn sang nước ta, tạo ra vô khối thầy xem địa lý phong thủy hoạt động.

Qua thời nhà Trần (thế kỷ XIII – 1225…) do ảnh hưởng từ đời Lý, các học thuật Đông Phương vẫn không ngừng phát triển, tinh thần Tam Giáo (Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo) tạo nên tư tưởng luân hồi trong số mệnh, người chết có 3 hồn, người sống có 9 vía. Người có công trạng được hiển thánh, người tầm tầm được phong thần, kẻ ác được gọi là ma quỷ.

Để được hiển vinh như các danh nhân, danh tướng, người người đi tầm long trong các khu đất, để mong về sau các con cháu mình được hưởng vinh hoa phú quý.

Đến đời nhà hậu Lê (1428…), Nho giáo ảnh hưởng hết sức rộng lớn, gần như lấn át cả Phật giáo và Lão giáo. Tinh thần Nho giáo thời phong kiến phân biệt người trong xã hội làm 2 thành phần :

– Quân tử và Tiểu nhân.

Người quân tử lấy tam cương, ngũ thường làm gốc, còn kẻ tiểu nhân thì không thể.

Tam cương là :

– Quân (Vua) – Sư  (Thầy) – Phụ (Cha)

Ngũ thường là :

– Nhân – Nghĩa  – Lễ – Trí – Tín

Trong địa lý phong thủy, xem quan niệm trên là cứu cánh, nên có lý luận trong mỗi gia đình phải có trên có dưới, có đạo đức mới trọn đạo thánh hiền, khi sống như khi chết, người gieo hạt nào sẽ nhận quả đó. Họ cho rằng khi xương cốt tổ tiên, ông bà, cha mẹ chưa thành đất, thì vong hồn luôn trở về, an vị trên bàn thờ, ở trong gia đình với con cháu, phù hộ độ trì cho con cháu mình; sau nữa được đất kết, con cháu nhờ ngôi đất đó mà hưng phát, trở thành người trâm anh thế phiệt.

Việc xem đất xây dựng hay nơi an táng, là do mọi người đi tìm sự đổi đời ấy. Họ tin khoa phong thủy sẽ giúp cho họ một cuộc cải tạo gia phong, thay đổi từ hèn kém ra sang trọng, từ vô học sẽ được học rộng, tài cao.

Thời hậu Lê, kẻ sĩ gọi thuật phong thủy là nghề chân chính, nghề của kẻ sĩ, một loại nghệ thuật như cầm kỳ thi họa. Vì người làm phong thủy khi cảm hứng với thế đất tốt, làm họ lâng lâng cái cảm giác như vừa hoàn thành xong một tác phẩm hay.

Trên đây chúng tôi lược thuật tiến trình về thuật xem phong thủy ở nước ta.

PThuy 2Còn Tả Ao là một nhân vật sống trong bối cảnh Nho giáo đó, nhưng ông chỉ sống với nghề thầy thuốc, hơn là sau khi học được các tinh hoa phong thủy từ Trung Quốc về. Vì thế Tả Ao sống lãng mạn với nghề địa lý, bất vụ lợi, cho nên ông không truyền dạy cho ai, đến khi chết chỉ để lại mấy cuốn sách gia truyền, mặc cho hậu bối nhận định những điều ông đã viết, tốt xấu hoặc hay dỡ tùy kiến thức mỗi người.

Trong sách, như răn dạy mọi người chớ quá mê tín đến khoa xem địa lý phong thủy, vì vậy trong lời mở đầu Tả Ao có hai câu thơ phú như sau :

“Học thầy khẩu thụ tâm truyền

Nhiệm mầu mọi vẻ kính tin mười phần”

Có ý nói, việc học chỉ theo khẩu truyền do người thầy phát xuất từ trái tim, có đúng sai khi thực hành mới rõ lời thầy dạy.

Cho nên những người học địa lý phong thủy nhưng không đạt kết quả, lý do có lẽ họ đã không nắm hết các nguyên lý tính toán của học thuật này.

Từ thế kỷ XIV, khi người Tây phương bước vào thế giới Đông Phương học, họ tìm hiểu triết học của Chu dịch, Kinh dịch, tìm hiểu các môn học thuật như chiêm tinh, chiết tự, cả về khoa địa lý phong thủy rồi viết cả trăm cuốn sách về đề tài Dương trạch – Âm trạch, nhưng chưa một ai hiểu : muốn tìm dương trạch hay âm trạch phải dụng những phép tính nào để có được đáp số (cuốn Feng-Shoui ou Prin-cipes de sience naturell de Chine của M.L. de Moutillé đã tự thán như thế), vì chưa giải được bài toán phong thủy trong môn địa lý học Đông Phương.

Chính những người Trung Quốc, cái nôi của môn địa lý học cũng nói, khoa địa lý phong thủy có rất nhiều bí ẩn dù thực hành cả vài mươi năm, có thể vẫn không đạt được chân giá trị của môn học thuật, nếu không có ông thầy uyên thâm chỉ dẫn cho tường tận. (bạn đọc nên xem bài “Phong thủy và đời sống” trong trang blog này, nơi phần mở đầu nói về những yếu tố của thuật xem phong thủy).

Bởi khi thực hành theo lý thuyết, cần không được quên nguồn gốc của nó từ dịch học, tức phải am tường Âm Dương – Ngũ Hành biện chứng, Bát Quái tiên thiên – hậu thiên, nắm bắt phương hướng của Nhị Thập Bát Tú trên vũ trụ, biết vòng Trường sinh Sinh Mộ Tử Tuyệt ở đâu, trong năm vòng Thái Tuế đang xung chiếu trong cung nào, biết nhận xét phần nạp khí, sắc khí mới làm được thầy xem phong thủy.

Đến thế kỷ XX, nền văn minh Tây phương xâm nhập vào nước ta theo bước chân lính viễn chinh, lối sống Nho giáo gần như lỗi thời, không còn người Quân Tử và kẻ Tiểu Nhân, mọi người đều bình đẳng, thanh niên không còn búi tóc, không học chữ Hán Nôm mà quay sang học quốc ngữ, và tin vào năng lực của bản thân hơn tin vào thần quyền.

Tuy nhiên người giàu và kẻ nghèo vẫn tồn tại trong xã hội; kẻ nghèo vẫn chiếm đa số, họ muốn vươn mình, muốn được đổi đời cho ngang hàng với người giàu. Cho nên việc xem phong thủy vẫn được mọi người lưu tâm coi trọng, vì thế dù cất lên một căn nhà lá nhưng có thầy địa lý đến tìm dùm cho một miếng đất, hay trấn yểm phù chú, khiến họ có niềm tin, hy vọng con cháu mình rồi sẽ phát lộc, phát phúc !?

Ông Tả Ao hình như tiên liệu được điều này khi có thêm hai câu thơ khác để nói với mọi người :

“Đạo cao đức trọng chưng thân

Hổ long liên phục, quỹ thần liên kinh”

Có nghĩa, có đức trong cuộc sống thì sẽ có phúc, người có phúc sẽ được đất kết, con cháu nhờ đức đó mà vinh hiển (được mọi người kính nể bởi tiếng tăm của cha mẹ để lại).

Diễn đạt hai câu thơ này, câu Đạo cao đức trọng chưng thân là người có đức, thì rồng cọp (Hổ Long)  cũng phải phục (chưng thân, liên phục) quỷ thần cũng tránh xa (quỹ thần liên kinh).

Hiểu sâu sa hơn lời của Tả Ao, làm người phải sống có đạo lý, kính trên nhường dưới, tôn trọng nhân lễ nghĩa trí tín, mọi sự sẽ được tốt lành. Đức không phải từ Thiên Địa (Trời đất) ban, mà chính con người phải tạo ra mới có. Có đức ắt sẽ có đất kết, không cần phải tầm long.

Chúng tôi muốn mượn lời Tả Ao, một thầy địa lý nổi danh của nước ta, để bắt đầu đi vào loạt bài về thuật xem Phong Thủy

(Bài viết này được trích trong sách “Bí ẩn Phong Thủy” của Thiên Việt do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, nhà sách Văn Chương 81 đường Nguyễn Chí Thanh, Q10, tổng phát hành).

QUẾ PHƯỢNG

CHUYÊN MỤC : PHONG THỦY

1-     Tìm hiểu môn phong thủy (25/6)

2-     Thước Lỗ Ban (30/6)

3-     Giai thoại Tả Ao (2 bài – 7-9/7)

4-     Phong thủy và đời sống (2 bài – 6/10)

5-  Tính chất trong thuật Phong Thủy (11/10)

Bình luận về bài viết này